Lầu Năm Góc ‘đẩy’ phụ nữ ra chiến trường
Nữ quân nhân Mỹ sẽ trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. |
Chính sách hiện tại nghiêm cấm việc điều động nữ quân nhân vào biên chế các đơn vị giáp mặt kẻ thù. Song song với đó, vai trò của nữ quân nhân trong quân đội và Hải quân Mỹ cũng bị giới hạn. Nếu lệnh mới không bị Quốc hội Mỹ phản đối trong vòng 30 ngày kể từ khi công bố, nó sẽ bắt đầu có hiệu lực và quân đội có 2 năm để hoàn tất những cải cách.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, quyền quyết định cuối cùng về việc nhận hay không nhận các nữ quân nhân vẫn phụ thuộc vào các chỉ huy trực tiếp ngoài chiến trường. Trong trường hợp nhận thấy sự góp mặt của phụ nữ sẽ làm suy giảm hoặc ảnh hưởng tới sức mạnh tác chiến, họ có quyền từ chối biên chế nữ binh sĩ.
Trong khi Thượng nghị sĩ Dân chủ Patty Murray coi đây là “một bước tiến lịch sử cho sự bình đẳng và công nhận vai trò phụ nữ đối với nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc” thì đa số các thành viên Đảng Cộng hòa vẫn im lặng trước thông tin này. Tuy nhiên, một số người tỏ ra hoài nghi về sự đúng đắn của quyết định đưa phụ nữ ra nơi tiền tuyến.
Trước Mỹ, nhiều quốc gia cũng đã đưa phụ nữ ra chiến trường bao gồm Australia, Canada, Pháp và Đức.
Trên thực tế, nữ quân nhân Mỹ đã góp mặt ở các chiến trường khốc liệt nhất thế giới từ trước quyết định mới của Bộ trưởng Panetta. Dù không chính thức nhưng phụ nữ buộc phải có mặt trên các chiến trường Afghanistan và Iraq nhằm phục vụ công tác dân vận, nơi phụ nữ Hồi giáo bị cấm tuyệt đối giao tiếp với đàn ông lạ, nhất là những binh sĩ Mỹ.
Hơn 200.000 nữ quân nhân Mỹ đã được cử đến những chiến trường cam go nhất thế giới kể từ sau vụ 11/9 đình đám. Tuy chỉ đảm trách nhiệm vụ gây dựng lòng tin đối với phụ nữ Iraq và Afghanistan nhưng có tới 140 nữ quân nhân đã thiệt mạng vì bom đạn của các tay súng Hồi giáo. Nó góp phần cho thấy những vấn đề nhân văn khi trao cho phụ nữ súng đạn và đưa họ tới bắn giết nơi chiến trường.
Hồng Duy