Lập ngay khu cách ly phòng cúm A/H7N9 tại sân bay
Nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 vào Đà Nẵng rất cao
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay, từ ca mắc đầu tiên được phát hiện ngày 19/2, đến ngày 11/4 ở Trung Quốc đã có 38 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Đến tối hôm qua 16/4, con số này là 63 ca mắc và 14 ca tử vong; nhưng đến sáng nay 17/4 thì trên mạng đã xuất hiện con số mới nhất là 77 ca mắc và đã có 16 ca tử vong, chiếm tỉ lệ hơn 20%.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng trình bày diễn biến dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc và nguy cơ xâm nhiễm vào TP Đà Nẵng - Ảnh: HC |
"Các đối tượng mắc cúm A/H7N9 phát hiện ở Trung Quốc có độ tuổi từ 4 - 87 cho thấy mọi lứa tuổi đều có thể mắc dịch cúm này. Tuy chưa có bằng chứng về việc lây truyền cúm A/H7N9 từ người sang người song tình hình ở Trung Quốc đang tiếp tục diễn biến phức tạp, lây lan ở nhiều địa phương và liên tục gia tăng cả về số ca mắc lẫn số bị tử vong" - Bác sĩ Tôn Thất Thạnh cho hay.
Trong khi đó, nằm ở trung điểm của cả nước với sân bay quốc tế, cảng biển, đường bộ, đường sắt..., Đà Nẵng thu hút lượng du khách nước ngoài khá lớn, đặc biệt là du khách từ Trung Quốc. Trung bình mỗi tuần có 20 - 25 chuyến bay từ Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng với khoảng 2.000 - 2.500 lượt khách (chưa kể 1 - 2 chuyến tàu du lịch, khách du lịch đường bộ và khách nhập cảnh vào Hà Nội, TP.HCM rồi đến Đà Nẵng).
Ông Đoàn Hưng, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung cho biết thêm, hiện có 9 hãng hàng không quốc tế mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 3 hãng của Trung Quốc. Mỗi quý có khoảng 58.000 lượt khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng; trong đó có khoảng 29.000 lượt khách nhập cảnh, riêng khách Trung Quốc chiếm khoảng 10.000 lượt trong khi nước này đang là ổ dịch cúm A/H7N9.
Do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không hạn chế đi lại giữa các quốc gia nên theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cùng với lượng khách Trung Quốc khá lớn sang Đà Nẵng thì nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 vào địa bàn cũng rất cao. Vấn đề này càng đặc biệt đáng quan ngại trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 sắp tới kéo dài đến 5 ngày và ở Đà Nẵng sắp diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC 2013 dự kiến thu hút hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước về tham dự nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang theo nguồn bệnh và có thể khiến dịch bùng phát.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương yêu cầu lập ngay phòng cách ly tại sân bay Đà Nẵng để phòng chống cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào địa bàn TP - Ảnh: HC |
Khu cách ly ở sân bay Đà Nẵng quá xuống cấp
Trước tình hình đó, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, việc giám sát đối với khách nhập cảnh, nhất là khách từ Trung Quốc, qua các cửa khẩu sân bay, cảng biển Đà Nẵng là hết sức quan trọng. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H7N9 gồm 5 tổ giám sát, phát hiện và làm thủ tục nhập cảnh, sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa để giám sát tất cả hành khách nhập cảnh, 3 tổ xử lý môi trường trực 24/24 hàng ngày tại 2 cửa khẩu cảng Đà Nẵng và sân bay quốc tế Đà Nẵng, sẵn sàng đáp ứng khi phát hiện có người mang virus cúm A/H7N9 xuất hiện trên địa bàn.
"Hiện khu vực đo thân nhiệt và nơi làm việc của cán bộ kiểm dịch ở sân bay Đà Nẵng khá ổn. Tuy nhiên khu cách ly hành khách là ca bệnh nghi ngờ viêm phổi nặng do virus thì đang rất chật chội, nóng bức, xuống cấp và không đảm bảo tiêu chuẩn đón khách quốc tế nên họ sẽ không yên tâm khi bị đưa vào đây kiểm tra sức khoẻ, lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm..." - bác sĩ Ngô Thị Kim Yên phản ánh.
Ông Đoàn Hưng cho hay, trước đây khu cách ly được bố trí gần nhà ga cũ, cơ sở vật chất quá chật hẹp, nhiều khi bị các xe phục vụ trong sân đỗ máy bay choán luôn đường đưa khách vào khi có tình huống. Tuy nhiên, do là phòng cách ly nên phải đặt ở xa chứ không thể bố trí ngay trong nhà ga mới. Vì vậy, ông đề nghị Sở Y tế và Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Đà Nẵng phối hợp khảo sát vị trí đặt khu cách ly cho hợp lý. Theo ông, có thể cải tạo lại phòng cách ly cũ để sử dụng vì chỉ cách nhà ga mới khoảng 300m.
Ông cũng đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng phối hợp với sân bay Đà Nẵng rà soát lại cơ chế phối hợp, đặc biệt là phương án và sơ đồ ứng phó khi có tình huống xảy ra. Phương án và sơ đồ này vốn được xây dựng từ khi sân bay chưa có nhà ga mới, nay nhà ga mới đã được đưa vào hoạt động nên cần phải có sự thay đổi cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương thống nhất với đề nghị của ông Đoàn Hưng và yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng phối hợp với sân bay Đà Nẵng tiến hành ngay việc xác định vị trí đặt khu cách ly để có văn bản đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Trung chủ trì yêu cầu sân bay Đà Nẵng bố trí địa điểm và tiến hành sửa chữa cho phù hợp.
"Việc này phải làm khẩn trương chứ không kéo dài 2 - 3 tháng vì tình hình đang rất cấp thiết. Tất nhiên mình làm vừa phải thôi, không tốn kém lắm nhưng cũng phải đàng hoàng. Vì khách quốc tế đến mà phòng cách ly bẩn hay cũ kỹ quá thì người ta cũng sợ, dịch ở đâu không biết nhưng vô phòng này họ lại mang bệnh!" - ông Võ Duy Khương nói.
Lập bệnh viện dã chiến khi dịch cúm A/H7N9 bùng phát ra cộng đồng
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm A/H7N9 với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9. Trong đó đề ra các biện pháp cụ thể ứng phó với 4 tình huống: chưa có trường hợp bệnh trên người; có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vu hẹp hoặc những ca đơn lẻ; và dịch bùng phát ra cộng đồng.
Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sẽ là hai cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 trên địa bàn. Tại đây đã hình thành các phòng cách ly, bố trí nhân lực và trang thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng có khả năng thu dung, điều trị từ 1 - 30 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9, khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng có khả năng thu dung, điều trị từ 1 - 20 bệnh nhân nhi mắc cúm A/H7N9. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng có kế hoạch thành lập các bệnh viện dã chiến nếu xảy ra dịch bùng phát ra cộng động.
Tại cuộc họp ngày 17/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương cũng yêu cầu các Sở NN-PTNT, Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là gia cầm sống tại các chợ, ngăn chặn việc giết mổ gia cầm không đúng nơi quy định; lập thêm các chốt kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào địa bàn TP. Đồng thời yêu cầu Sở Y tế, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường và Trung tâm Y tế tự phòng lập đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh thông tin về tình hình dịch.