Lao động Triều Tiên: Bị bóc lột ở nước ngoài còn hơn quay trở về
Bình Nhưỡng đã gửi hàng chục nghìn nhân công ra nước ngoài với nhiệm vụ đem ngoại tệ về cho đất nước. Những người lao động cho biết họ phải nộp phần lớn tiền lương cho chính quyền và không bao giờ nhận được mức lương như đã hứa hẹn. Tuy nhiên, họ cũng cho biết thêm rằng số tiền mà họ nhận được vẫn lớn hơn rất nhiều so với những gì họ kiếm được ở nhà.
Các lao động nước ngoài cũng có thể nuôi sống tốt gia đình, không bị kiểm soát gắt gao và có được cơ hội hiếm hoi để quan sát thế giới và tự mình so sánh với những sự thật họ biết tại quê nhà.
Tìm mọi cách để xuất khẩu lao động
Lee Soung Hee, 42 tuổi, làm việc tại một nhà hàng Triều Tiên ở tỉnh Dalian, Trung Quốc đầu những năm 2000 và giờ đang sống ở Hàn Quốc, cho biết: “Tôi đã phải loại 12 người khác để được làm nhân viên phục vụ bàn. Quan điểm về công việc của mọi người ở Triều Tiên hoàn toàn khác so với ở đây. Phụ nữ ở Triều Tiên rất thích thú với công việc làm hầu bàn ở nước ngoài”.
Bà Lee từng hy vọng rằng kinh nghiệm ở nước ngoài của mình có thể giúp nâng tầm địa vị xã hội để có thể kiếm được tấm chồng với công việc tốt hơn. Còn ba nam công nhân kia người thì muốn mua ti vi, muốn mua đài, người thì ao ước có được chiếc tủ lạnh sau khoảng ba năm xuất khẩu lao động.
Bà Lee Soung Hee, từng là lao động xuất khẩu của Triều Tiên và giờ đang sống tại Hàn Quốc. Nguồn: AP |
Bà Lee đang là giáo viên dạy văn cấp 2 và cấp 3 ở Triều Tiên khi bà có cơ hội làm việc ở nước ngoài. Lee cho biết cha bà đã phải đưa cho các quan chức địa phương 15.000 won (70 USD) để giúp bà nhận được việc. Những người được chọn khác bao gồm giáo viên, bác sĩ và sinh viên mới tốt nghiệp.
Trong khi đó, ông Lim Il, làm việc tại công trường xây dựng ở Kuwait cuối những năm 1990, lại dùng 20 chai rượu ngon và 30 bao thuốc lá để hối lộ. Còn Kim Sae-gil, một lái xe tải ở trại gỗ Siberi, thì cho biết mình đã nhờ đến quan hệ họ hàng để được ra nước ngoài.
“Khi tôi biết mình được ra nước ngoài, tôi đã vô cùng, vô cùng sung sướng. Đó là cảm giác mà tôi chưa từng trải qua và đến nay đó vẫn là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời tôi”, ông Kim, 49 tuổi, đã làm việc ở Siberi từ năm 1995 đến 1998, nhớ lại.
Tuy nhiên, đổi lại, nhiều người phải lao động rất khắc nghiệt. Lee Soung Hee cho biết bà chỉ được nghỉ một ngày trong tháng và phải làm việc dù biết tin mẹ mình qua đời. Các cảnh sát ngầm của Triều Tiên thường xuyên kiểm soát những tiếp viên nữ của nhà hàng và đánh họ nếu họ giấu tiền tip của khách.
“Có những khách hàng sẽ đụng chạm vào người chúng tôi nhưng chúng tôi không được phép từ chối bởi nhiệm vụ của phục vụ là phải khiến khách hài lòng để họ chi càng nhiều tiền càng tốt. Khi khách hàng rót rượu chúng tôi cũng phải uống hết nhưng chúng tôi không được say bởi như thế sẽ bị chỉ trích là không trung thành với đảng”, bà Lee kể lại.
Lim cho biết ông chưa bao giờ nhận được mức lương 120 USD/tháng như hứa hẹn mặc dù làm việc từ mờ sáng cho đến nửa đêm. Ông từng thấy rất tức giận khi biết được lao động Bangladesh và Indonesia được trả tới 450 USD/tháng.
Ông Lee Yong-ho kể lại quãng thời gian phải làm việc 14 tiếng một ngày ở một trại gỗ của Nga. Nguồn: AP |
Lee Yong-ho, một công nhân bỏ trốn khác của Triều Tiên, cho biết ông thường phải làm từ 12 đến 14 tiếng/ngày nhưng chưa bao giờ nghĩ gì về điều kiện làm việc của mình. “Nô lệ ư? Tôi không bao giờ nghĩ đến những cái tương tự như vậy. Tôi chỉ nghĩ là mình có thể kiếm bao nhiêu tiền một tháng”, ông Lee, giờ đã là một lao động ở Hàn Quốc, nói.
Tất cả bốn trường hợp lao động Triều Tiên nói trên đều đã bỏ trốn sang Hàn Quốc. Bà Lee Soung Hee đã bỏ đi cùng một khách hàng người Hàn Quốc và giờ là chồng bà. Sau này, bà Lee nhận được thông tin rằng họ hàng của bà ở Triều Tiên đã bị buộc phải chuyển tới khu vực xa xôi, hẻo lánh và bị giám sát nghiêm ngặt vì có người thân đào tẩu. Ba người còn lại không nhận được bất kỳ tin tức gì về số phận của gia đình mình.
Ông Kim cho biết mặc dù quyết định không quay trở lại Triều Tiên sau khi được “nếm mùi tự do” nhưng ông rất nhớ gia đình của mình, cả cô con gái nhỏ mà ông bỏ lại. “Con bé chắc bây giờ đã 22 tuổi, tôi vẫn nghĩ về con gái mình”, ông Kim, hiện làm bảo vệ ở Seoul, nói.
Nguồn cung ngoại tệ của Triều Tiên?
Các chuyên gia và các nhà hoạt động Hàn Quốc mới phỏng vấn các công nhân và những người Triều Tiên bỏ trốn từng có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cũng cho biết không chỉ từ thời xưa, nhiều lao động Triều Tiên hiện tại cũng có cùng quan điểm như vậy. Theo đó, mức lương trung bình hàng tháng cho một công nhân Triều Tiên bình thường là chưa đến 1 USD. Rất nhiều gia đình Triều Tiên đang phải kiếm tiền bằng cách kinh doanh tại các khu “chợ đen”.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đó là một hình thức bóc lột lao động nhưng đối với họ, đi nước ngoài là một đặc quyền. Người Triều Tiên coi đó là một cơ hội tốt để thoát khỏi cuộc sống khó khăn ở quê nhà”, Go Myong-Hyun, chuyên gia của Viện nghiên cứu chính sách Asan, Seoul, nhận định.
Công nhân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài thường không muốn quay trở về nước. Nguồn: Foreign Affairs |
Cơ quan tình báo Hàn Quốc ước tính có khoảng 50.000 đến 60.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc ở hơn 50 nước, chủ yếu là Nga và Trung Quốc tuy nhiên các chuyên gia cho rằng con số nhân công ngước ngoài có thể còn nhiều hơn thế. Trung tâm chiến lược Triều Tiên ở Seoul cho biết lao động nước ngoài của Bình Nhưỡng kiếm được khoảng 150-230 triệu USD một năm.
Các chuyên gia đều nhất trí cho rằng Triều Tiên đang thúc đẩy việc xuất khẩu lao động bởi các lệnh cấm vận quốc tế kéo dài khiến quốc gia này thiếu trầm trọng các nguồn ngoại tệ. Lao động Triều Tiên được thuê làm việc trong các nhà máy và nhà hàng ở Trung Quốc, trong các trại gỗ hay công trường xây dựng ở Nga. Một số công trường xây dựng khác cũng có người Triều Tiên như ở Trung Đông hay sang châu Phi xây tượng đài, dậy võ teakwondo hoặc chăm sóc y tế. Lương trung bình hàng tháng của họ vào khoảng 120-150 USD.
Chính quyền Bình Nhưỡng thường cử những công dân trung thành, những người ít bị ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài. Đa số họ là đàn ông đã lập gia đình và có trách nhiệm phải kiếm tiền nuôi sống vợ con ở nhà.
Vì vậy, việc công nhân Triều Tiên bỏ trốn là rất hiếm. Một trường hợp ngoại lệ đã xảy ra vào tuần trước, khi Hàn Quốc thông báo 13 nhân viên một nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài đã cùng nhau bỏ trốn.
Về phần mình, Triều Tiên luôn phủ nhận cáo buộc lạm dụng người lao động, cho rằng những chỉ trích quốc tế là một âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của hệ thống chính quyền nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.