Lào Cai xây dựng môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững
Với quan điểm, đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững, năm 2022, Lào Cai đã quan tâm đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường với các hoạt động cụ thể như thu gom xử lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt, quan trắc môi trường không khí, nước sông Hồng, quan trắc định kỳ về môi trường… với tổng kinh phí trên 141 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng môi trường.
Công tác thông tin tuyên truyền được tích cực triển khai tại mỗi địa phương. Từ đó, làm thay đổi nhận thức và hành động cùng tham gia bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; Khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; Thực hiện chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn, xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn.
Toàn tỉnh Lào Cai có trên 83.600 hộ chăn nuôi, trong đó, trên 62.000 hộ có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếm trên 74%; Khoảng 7.000 hộ thực hiện các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas; 100% trang trại áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, chất thải chăn nuôi bằng hầm bể biogas, đệm lót sinh học và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi.
Cùng với đó, Lào Cai có 30 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề nấu rượu, 5 làng nghề may thêu thổ cẩm, 3 làng nghề đan lát, 1 làng nghề chạm khắc bạc, 1 làng nghề bánh phở, 1 làng nghề làm hương. Các làng nghề có quy mô nhỏ nên lượng chất thải phát sinh ít, tác động đến môi trường không đáng kể. Việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại các làng nghề cơ bản được thực hiện tốt.
Ước tính mỗi năm, tỉnh Lào Cai thu gom khoảng 1 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; 1,8 tấn vỏ vắc xin sau khi sử dụng; 16,5 tấn rác thải là vỏ bao thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản... Người dân đã có ý thức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào các bể chứa và các địa phương đã tập trung thu, gom xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Toàn tỉnh có 86 xã đã được công nhận hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới cơ bản đều quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải rắn.
Các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đều có đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ được phê duyệt; Hỗ trợ xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm quy mô cấp huyện, liên huyện, cấp tỉnh đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh và an toàn thực phẩm; Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng về an toàn thực phẩm; Phát triển các tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực về tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chủ thể sản xuất.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng môi trường sống cho người dân ở nông thôn an toàn và bền vững. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn; Từng bước xoá bỏ nhà tiêu không hợp vệ sinh, tăng tỷ lệ hộ gia đình có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng tỷ lệ trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh; Tăng tỷ lệ hộ đảm bảo tiêu chí 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ; Nâng cao tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trên cơ sở đó cải thiện tình hình vệ sinh môi trường của cộng đồng một cách bền vững.
NH