"Lãnh đạo Triều Tiên là tội phạm có tổ chức"
Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un trong chuyến thị sát quân đội hôm 25/3 |
Mối lo vẫn còn
Trước câu hỏi liệu Triều Tiên có khả năng tấn công đảo Guam trên Thái Bình Dương hay đó chỉ là lời đe dọa của một kẻ ngông cuồng, ông Ishizaki cho rằng sự thật về việc Bình Nhưỡng đã đạt tới trình độ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tích hợp trên hệ thống tên lửa hay chưa vẫn chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, những dự đoán xác thực nhất cho thấy tầm bắn của các loại tên lửa mà Triều tiên đang sở hữu chưa thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Trong thời gian sắp tới, Mỹ dám chắc Triều Tiên không thể đe dọa tới an ninh của đảo Guam song tiềm lực và mục đích phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn được xem là mối quan tâm hàng đầu trong tương lai.
Trong khi đó, về vấn đề đảo Guam đã sẵn sàng phòng thủ trước một cuộc tấn công hạt nhân, ông Ishizaki nhận định chính quyền đảo Guam không sở hữu bất cứ vũ khí phòng thủ nào nhưng đang được bảo vệ dưới chiếc ô của Mỹ. Bởi đảo Guam là một phần trong lãnh thổ Mỹ, do đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ bảo vệ an toàn cho người dân trên đảo. Điển hình, việc triển khai hệ thống phòng thủ THAAD không chỉ giúp người dân trên đảo Guam an lòng mà còn củng cố an ninh trong khu vực.
Vậy đảo Guam có nên thành lập một hệ thống phòng thủ riêng biệt và mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc. Câu trả lời là Không. Bởi cơ hội tốt nhất cho đảo Guam là nằm trong khuôn khổ chính trị của Mỹ. Con đường trở thành một quốc gia độc lập và không thuộc bất cứ tổ chức nào là điều không thể chấp nhận với tình hình của đảo Guam hiện nay.
Lịch sử phạm tội
Liệu Triều Tiên có phải là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia? Những thông tin được đã công bố cho thấy chính phủ Bình Nhưỡng vốn có lịch sử lâu đời là một tổ chức tội phạm. Triều Tiên từng bị cáo buộc tổ chức làm giả ngoại tệ như đôla Mỹ, bắt cóc công dân nước ngoài, sản xuất và xuất khẩu ma túy và ma túy tổng hợp hay trở thành chợ đen buôn bán các loại hàng hóa nước ngoài.
Các bản báo cáo nhiều lần khẳng định với nhiệm vụ được giao phó, giới chức Triều Tiên đã tổ chức buôn lậu số ngoại tệ được làm giả, buôn bán các loại thuốc cấm cũng như nhiều mặt hàng bị hạn chế trong lĩnh vực ngoại giao.
Giống như nhiều nhóm tội phạm có tổ chức nổi tiếng, các quan chức Triều tiên đã cộng tác làm ăn với Hội Tam Hoàng của Trung Quốc, tổ chức mafia Yakuza tại Nhật Bản, cùng các nhóm tội phạm và buôn bán ma túy khác trên thế giới.
Trong đó, việc Triều Tiên liên tiếp đưa ra lời đe dọa triển khai các loại vũ khí hạt nhân nhằm dằn mặt và trao đổi đã thể hiện thái độ ứng xử điển hình của các tổ chức tội phạm hay băng đảng đường phố. Do đó, giới chức Bình Nhưỡng không khác gì là những gã du côn đường phố.
Trước câu hỏi đảo Guam sẽ an toàn trước một cuộc tấn công hạt nhân, ông Ishizaki nhận định nhờ mối giao hảo thân tình giữa chính phủ liên bang, quân đội, giới truyền thông địa phương, truyền thông xã hội của Mỹ với chính quyền đảo Guam, mối đe dọa tấn công hạt nhân dường như bị xóa nhòa. Tuy nhiên, do các vấn đề và mối quan ngại không ngừng xuất hiện, người dân đảo Guam vẫn cần phải cảnh giác về tình hình an ninh trên đảo.
Theo ông Ishizaki, Mỹ sẽ tiến hành truy tố lãnh đạo Triều Tiên và lên kế hoạch bắt giam những kẻ phạm tội để đưa ra xét xử. Trong đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các đồng minh thân cận sẽ phải nhận hình phạt tương xứng với tội của mình giống như tổng thống Panama - Manuel Noriega bị truy tố buôn bán ma túy.