Lãnh đạo Sở: "Tết sếp là mối lo có thật, ai cũng thế cả"
- “Phải xấu hổ khi ngửa tay lấy đồng tiền như vậy”
- "Không có chuyện phải quà cáp cấp trên"
- Tiền chúc Tết, sếp nhận bạc tỷ?
- Nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm: "Tôi chưa bao giờ từ chối quà biếu Tết"
Đề cập đến việc Tết nhất trở thành mối lo của không ít người, lo tặng quà gì cho cấp trên, lo quà ít giá trị làm phật ý sếp, trao đổi với PV báo điện tử Infonet, một vị lãnh đạo Sở tại Nghệ An chia sẻ “Mối lo ấy là có thật, ai cũng thế cả. Hồi xưa cũng làm nhân viên, tôi cũng từng lo lắng như thế, lo lắng không biết tặng gì cho cấp trên nhưng giờ lên làm lãnh đạo tôi nhận thấy rằng con người ta quan trọng tình cảm là chính. Tết nhất thấy nhân viên, anh em đến nhà chơi, chúc mừng năm mới tôi rất quý.
Theo vị lãnh đạo này, "chủ trương “cấm chúc Tết” thì đúng nhưng để đi vào thực tiễn là rất khó. Tết nhất đến thăm hỏi tặng quà nhau đã trở thành phong tục, là một nét đẹp, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Thông thường trước Tết thì cơ quan tổ chức đi trao tặng quà cho các bà con miền núi khó khăn còn sau Tết thì anh em trong cơ quan đi chúc Tết, thăm hỏi nhau. Nhưng chuyện quà Tết trở thành biến tướng khi có những trường hợp người tặng quà lớn với mục đích, động cơ này nọ. Và những trường hợp như thế thì tôi kiên quyết từ chối".
"Tôi đã từng nói với cấp dưới của mình “mình cũng từng làm lính, cũng thấu hiểu tâm lý của người nhân viên cấp dưới . Lương công chức nhà nước thì chẳng được bao nhiêu, tết nhất lại phải lo nhiều thứ thế nên anh em quý nhau tết đến chơi, gặp mặt trò chuyện tình cảm chứ đừng có nghĩ ngợi quà cáp này nọ”.
"Anh em thường phải đi xa, công tác trên miền núi về nên nhiều nhiều khi họ đến biếu những đặc sản quê hương như con gà, cân cam, cân thịt bò hay chai nước mắm tôi quý lắm. Vì họ đến với mình bằng tình cảm anh em chân thành chứ không phải vì động cơ gì".
Ông còn cho biết, bản thân tôi, dịp Tết nhất cũng đến cảm ơn những người đã giúp mình, nhưng công chức nhà nước lương thưởng có mức độ nên Tết đến cũng tặng cấp trên chai rượu, chai bia hay gói bánh chứ không đặt nặng vấn đề đấy.
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, một lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam thẳng thắn: “Mình không giúp được người ta cái gì thì làm gì có chuyện quà cáp to”.
Theo ông thì ngày Tết tặng quà nhau thể hiện tình cảm nhưng trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng xét theo từng góc độ chứ không phải ai người ta cũng đến mang quà.
“Cái gì không thuộc thẩm quyền của mình thì mình cũng không dại gì nhận rồi hứa, mà tầm như tôi cũng chẳng ai đến nhờ vả cái gì. Mình không giúp được người ta cái gì thì làm gì có chuyện quà cáp to này nọ”.
Thường thì ngày đầu năm trước khi đi làm thì anh em trong cơ quan cũng tổ chức đi thăm nhau. Tôi không đặt nặng vấn đề quà cáp, đến với nhau quan trọng là tình cảm. Tôi cũng là lãnh đạo nhưng chỉ điều hành trên góc độ công việc và quy định chung, không có quyền đuổi việc, nâng lương hay bổ nhiệm nên chẳng ai phải lo lắng Tết nhất biếu xén này nọ.
Còn bản thân tôi Tết nhất cũng đến thăm hỏi cảm ơn thủ trưởng, cấp trên đã tạo điều kiện cho mình công tác. Đến thăm hỏi tình cảm chứ chẳng có quà cáp gì.
"Cơ quan tôi quản lý các khu công nghiệp nhưng chỉ hỗ trợ người ta về thủ tục hành chính chẳng hạn như đôn đốc nộp thuế, phối hợp với các đơn vị trong công tác tuyển dụng lao động… họ không phụ thuộc vào mình nên không có chuyện quà cáp lớn. Chỉ có ai quý mình thì Tết họ đến chơi, thăm hỏi nhau thôi", lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam thẳng thắn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Đỉnh, Nguyên Phó Hiệu trưởng trường THCS Hưng Đạo, Phó chủ tịch hội khuyến học xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An vui vẻ cho biết “Tết đến toàn lãnh đạo đến thăm hỏi, chúc tết tôi”.
Vị Phó chủ tịch hội khuyến học xã Hưng Đạo chia sẻ: Ở quê đời sống kinh tế khó khăn nên Tết nhất cũng rất đơn giản. Thường thì mùng 3 Tết cơ quan bắt đầu đi chúc Tết. Cả lãnh đạo như Chủ tịch, Bí thư, các phòng, ban đến từng nhà chúc nhau tình cảm. Qùa cáp thì thường gói bánh, chai rượu. Còn đi tết lãnh đạo thì đại diện các hội, các phòng ban trích quỹ ra vài trăm nghìn làm quà.
“Trước đây làm thầy giáo, rồi làm Phó Hiệu trưởng trường THCS nhưng tôi cũng chưa bao giờ đi chúc tết ai để nhờ vả này nọ mà hồi xưa tình cảm anh em quý nhau chỉ đến nhà chơi, thời bao cấp làm gì có cái lệ quà cáp như bây giờ. Giờ về hưu làm trong Hội Khuyến học xã, tôi cũng nhiều tuổi rồi nên Tết đến toàn lãnh đạo đến thăm hỏi, chúc tết tôi thôi”.