Lãnh đạo Nga và Anh đồng ý gặp mặt, nối lại quan hệ ngoại giao
Theo tuyên bố của điện Kremlin, Moscow và London đều tỏ ra không hài lòng đối với tình trạng bế tắc trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên, và sẵn sàng khôi phục hợp tác song phương về nhiều mặt. Một trong những chủ đề mà hai bên sẽ đề cập đến, đó là nâng cao an ninh quốc phòng của hai nước bằng sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Anh cũng đã đồng ý đưa một đại biểu đến thành phố cảng Arkhangelsk, phía Bắc nước Nga để kỷ niệm 75 năm chuyến tàu viện trợ cho Liên Xô của Anh được thực hiện trong Thế chiến II.
Cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia đã mở ra cơ hội để ông Putin và bà May có thể gặp nhau “trong tương lai gần”. Nhiều khả năng họ sẽ có cuộc hội đàm riêng bên lề cuộc họp thượng đỉnh các nước G20 sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới.
Theo tuyên bố của chính phủ Anh, bà May nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quân sự với Nga để chống khủng bố. Bà cũng bày tỏ mong muốn có cuộc hội đàm “cởi mở và chân thành” với ông Putin mặc dù giữa hai bên vẫn có “những bất đồng nhất định”.
Tháng trước, bà May đã có những phát biểu không mấy thiện cảm về Nga, và gọi nước này là một hiểm họa vũ khí hạt nhân lớn đối với Anh. Bà bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc khôi phục các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Anh và nói rằng đất nước “không được phép mất cảnh giác hay bác bỏ bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào, bởi điều đó sẽ khiến quốc gia lâm nguy”.
Nga đã lên tiếng phản đối tuyên bố trên của bà May và cáo buộc bà dùng những luận điệu mà cựu Thủ tướng David Cameron đã từng dùng trước đây, mặc dù Nga “tích cực thực hiện” những điều kiện trong hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Nếu cuộc hội đàm diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên bà May trực tiếp tiếp xúc với ông Putin kể từ khi bà lên nhậm chức vào tháng 7. Lần cuối cùng Tổng thống Nga gặp gỡ lãnh đạo nước Anh là tại cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, khi đó ông Cameron vẫn đang đương chức.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.