Lãnh đạo đảng đối lập: Ông Sarkozy đã phá hoại Libya, gây ra khủng hoảng di dân
Theo hãng tin Sputnik, trên trang Twitter cá nhân của mình, bà Le Pen bày tỏ quan điểm của mình trước việc ông Sarkozy bị cáo buộc nhận tiền của ông Gaddafi để giúp đỡ cho hoạt động vận động tranh cử của ông vào năm 2007.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) từng có mối quan hệ nồng ấm với lãnh đạo Libya bị lật đổ Muammar Gaddafi (phải). |
“Công lý phải được thực thi triệt để. Vụ việc này không chỉ liên quan đến các hoạt động quyên góp tài chính để tranh cử, nó còn có quan hệ mật thiết đến một cuộc chiến tranh, sự sụp đổ, sự bất ổn của một quốc gia và làn sóng di dân khổng lồ mà chúng ta thấy”, bà Le Pen viết. Bà cũng lên tiếng phản đối hoạt động quân sự của NATO và EU tại Libya và kêu gọi Pháp rời bỏ liên minh quân sự này.
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ tại thành phố Nantre hai ngày trước. Ông bị buộc tội “nhận hối lộ, thực hiện hoạt động tài chính bất hợp pháp và che giấu khoản tài chính từ Libya”. Được biết, ông đã nhận khoảng 50 triệu euro từ cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2007.
Ông Sarkozy đã phủ nhận các cáo trạng trên và tuyên bố rằng vân chưa có “bằng chứng rõ ràng nào”. “Tôi đã sống trong sự vu khống này kể từ ngày 11/3/2011, khi Gaddafi lần đầu tuyên bố điều này”, ông Sarkozy trả lời trước các thẩm phán.
Khi đó, con trai của ông Gaddafi đã nói rằng ông Sarkozy nên thừa nhận hành động nhận tiền từ chính phủ Libya. Quá trình điều tra được bắt đầu vào năm 2012, song đã bị ngừng lại cho đến năm 2017, khi các thẩm phán đưa ra những cáo trạng ban đầu nhằm vào ông Sarkozy và rằng các công tố viên hiện có đủ bằng chứng để xét xử.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Sarkozy đối mặt với cáo buộc quyên góp tài chính trái phép cho vận động tranh cử. trước đó, cảnh sát Pháp đã điều tra cáo buộc tỉ phú Liliane Bettencourt, một cổ đông lớn của tập đoàn mỹ phẩm L’Oreal đã cung cấp tài chính một cách bất chính cho ông Sarkozy. Tuy nhiên sau đó, các cáo buộc này đã được các nhà chức trách rút lại.
Khi còn đương chức, ông Sarkozy ủng hộ phương Tây tiến hành chiến dịch quân sự tại Libya mặc dù ông đã có mối quan hệ nồng ấm với ông Gaddafi. Tổng thống Libya sau đó đã bị bắt giữ và sát hại trong cuộc chiến ở Libya vào năm 2011, sau khi một quả tên lửa của Pháp bắn trúng xe của ông, và ngày nay Libya đang bị nhiều phe phái kiểm soát.