Lặng người nghe LS kể các vụ án trẻ nhỏ 2-3 tuổi bị xâm hại tình dục
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và Đào Thị Bích Liên đang tiếp một bà mẹ có con bị xâm hại tình dục |
Đắng lòng trước những nạn nhân quá bé
Luật sư Đào Thị Bích Liên không thể quên những vụ án xâm hại tình dục trẻ em mà chị đã từng tham dự với tư cách bảo vệ người bị hại, trong đó nạn nhân là những bé gái chỉ 2 – 3 tuổi.
Đó là trường hợp bé gái khoảng 3 tuổi (Thủ Đức, TP.HCM) bị chính cha ruột xâm hại. Sau khi xâm hại, thấy bé chảy máu nhiều quá, người cha vô lương tâm đó mang bé ra bỏ mặc ngoài chợ rồi thuê khách sạn ngủ cùng người tình.
Còn luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM vẫn lặng người khi nhớ lại vụ bé gái 2 tuổi bị cưỡng hiếp ngay tại khu nhà trọ ở Thủ Đức. Thủ phạm sau khi chơi đá đã bế xốc em bé đang ngồi chơi ở phòng trọ bên cạnh mang về phòng mình và giở trò đồi bại. Khi cháu bé la khóc quá lớn, người dân và công an phá cửa xông vào bắt quả tang cháu bé đang bị xâm hại, thủ phạm còn có dấu hiệu muốn giết chết bé.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ tâm sự: “Lúc em bé được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu, tôi gặp bé ở dưới sân bệnh viện, tôi phải ngồi lặng một lúc trên ghế đá dưới sân, không thể nói được câu nào khi thấy máu chảy không ngừng từ vùng kín của bé”.
Đó là hai trong số nhiều trường hợp mà các luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đấu tranh thành công, thủ phạm bị xử án chung thân, nhưng còn rất nhiều trường hợp bị xâm hại khác chìm trong im lặng.
Cha mẹ phải làm gì khi con có dấu hiệu bị xâm hại?
Luật sư Đào Thị Bích Liên cho biết, khi sự việc xảy ra, tâm lý của người mẹ là hết sức quan trọng, người mẹ cần tỉnh táo để tìm ra hướng giải quyết đồng thời giúp con trẻ ổn định tâm lý không hốt hoảng, sợ sệt.
Gia đình cần giữ nguyên chứng cứ như không giặt quần áo của trẻ, thu giữ lại các hình ảnh con mình bị va chạm như thế nào. Gia đình có thể đưa bé đến bệnh viện để khám, trong trường hợp bác sĩ cho rằng bé bị xâm hại tình dục nhưng không cung cấp hồ sơ bệnh án cần ghi âm lại những lời nói của bác sĩ đồng thời giữ lại đơn thuốc làm chứng cứ.
Cùng với đó là làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an, cùng cơ quan công an đưa bé đi giám định pháp y. Các công việc này cần phải làm trong vòng 24 – 72 tiếng sau khi xảy ra vụ việc, bởi để quá thời gian đó sẽ rất khó tìm ra dấu vết của tinh dịch.
Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM luôn có người hỗ trợ tư pháp trực 24/24 thông qua đường dây nóng 18009069. Thông tin sẽ được chuyển đến cơ quan công an để điều tra và chuyển đến Chi hội Luật sư Bảo vệ Trẻ em TP.HCM để tiến hành hỗ trợ các vấn đề pháp lý cho gia đình người bị hại.