Láng giềng Trung Quốc đua nhau nhập khẩu vũ khí
Trang tin Business Insider dẫn kết quả nghiên cứu gần nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, ba nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong nhiều năm trở lại đây là Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan – ba nước đều có biên giới với nhau và có những tranh chấp âm ỉ lâu đời.
Bản đồ 3 nước Ấn Độ - Trung Quốc - Pakistan. Vùng gạch chéo là vùng có tranh chấp giữa các nước. |
Những tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng và tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan đối với khu vực Kashmir đã từng dẫn đến nhiều cuộc xung đột vũ trang, như chiến tranh Trung - Ấn hồi năm 1962.
Theo BI, những tranh chấp trên cùng một loạt các yếu tố khác đang đẩy 3 nước này vào một cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất thế giới.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ tăng tới 111% trong các khoảng thời gian 2004 - 2008 và 2009 - 2013.
Từ năm 2009 đến năm 2013, Ấn Độ chiếm 14% lượng hàng nhập khẩu vũ khí của cả thế giới.
Trong khoảng thời gian này, lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ cũng lớn hơn gấp 3 lần so với Pakistan và Trung Quốc. Trung Quốc và Pakistan, mỗi nước chiếm 5% lượng hàng nhập khẩu vũ khí toàn cầu. Đáng chú ý, 54% lượng vũ khí mà Pakistan nhập lại là từ Trung Quốc.
Vũ khí Ấn Độ nhập chủ yếu là từ Nga (75%), Mỹ (7%) và Israel (6%). Trong khi đó, 64% lượng vũ khí Trung Quốc nhập là từ Nga, sau đó là từ Pháp (15%) và từ Ukraine (11%).
Theo BI, Ấn Độ đang cố gắng thúc đẩy năng lực quân sự trong bối cảnh căng thẳng âm ỉ từ lâu đối với cả 2 nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan luôn có nguy cơ bùng phát.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Pakistan cũng đã tăng cường đối thoại nhưng họ vẫn chưa đạt được kết quả nào đột phá. Khu vực biên giới bất ổn Kashmir là nguyên nhân chính dẫn đến 3 cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan.
Theo BI, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc có nhiều khúc mắc. Hai nước đã từng có cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962. Mặc dù đã từng xảy ra chiến tranh, nhưng hai bên vẫn chưa thể phân định được rõ ràng chủ quyền đối với Arunachal Pradesh, mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng.
BI cho rằng, theo lẽ tự nhiên, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ của nhau trong tương lai bởi vì hai nước đang cùng phát triển mạnh mẽ. Nhưng Ấn Độ đang cảm thấy bị đe dọa hơn bởi sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn khu vực Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các căn cứ quân sự ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Tướng Deepak Kapoor, một cựu Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Ấn Độ cho rằng "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc đang bao vây Ấn Độ.
Các loại vũ khí mà Ấn Độ nhập trong giai đoạn 2009 - 2013 bao gồm một tàu ngầm hạt nhân, 90 chiến đấu cơ Su-30 MKI, một tàu sân bay cùng 27 máy bay MiG-29K sử dụng trên tàu sân bay đó. Ấn Độ cũng là đối tác phát triển một máy bay thế hệ thứ năm T-50 của Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…