Lắng đọng màu xanh áo lính trên chiến trường "lừng lẫy năm châu"
Chỉ còn hơn một tuần nữa lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điên Biên Phủ sẽ diễn ra, thành phố Điện Biên đã sẵn sàng trước giờ G để cùng quân, dân cả nước “sống cùng lịch sử”.
Đặt chân tới Điện Biên Phủ những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, một không khí của sự chiến thắng, hào hùng như đang bao trùm lên toàn mảnh đất lịch sử của vùng núi rừng Tây Bắc xa xôi này.
Dù thời tiết tại mảnh đất Tây Bắc đang vào đợt cao điểm nắng nóng nhất trong năm, có thời điểm trong ngày nhiệt độ “vọt” lên tới 40 độ C, song điều đó không ngăn nổi dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc “đổ” về Điện Biên.
Thành phố Điện Biên những ngày này không chỉ rực rỡ bởi sắc tím của bằng lăng, sắc đỏ của phượng vĩ, của lá cờ Tổ quốc “nhuộm máu trong tim”, mà còn bởi sắc xanh của màu áo lính từ khắp mọi miền đất nước trở về với “suối nguồn lịch sử”.
Người lính cựu chiến binh Điện Biên tự hào kể lại kỉ niệm chiến đấu năm xưa |
Từ thung lũng Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cho đến đồi A1 – nơi diễn ra trận chiến lịch sử kéo dài 39 ngày đêm, rồi hầm tướng De Castrie … trong những ngày tháng 4 lịch sử lúc nào cũng “ăm ắp” những gương mặt, dấu chân của người lính cựu chiến binh trở về thăm chiến trường xưa, và cả của những chiến sĩ trẻ mang màu xanh áo lính.
Đối với những người lính đã chiến đấu tại Điện Biên, một lần nữa đặt chân lên mảnh đất lịch sử là thêm một lần họ được sống lại tuổi thanh xuân |
Với người cựu chiến binh trở lại thăm chiến trường Điện Biên năm xưa là họ trở về “nhà”, về với năm tháng hào hùng của một thời sục sôi chiến đấu không thể nào quên trong cuộc đời.
Còn với những người lính trẻ của thế hệ hôm nay, hầu hết trong số họ đều lần đầu tiên được đặt chân đến Điện Biên, được tận mắt nghe và chứng kiến những di tích chiến tranh còn sót lại của cuộc chiến 56 ngày đêm “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vì thế, với họ đến Điện Biên Phủ là “cuộc hành trình trở về nguồn” đầy ý nghĩa.
Tràn ngập màu xanh áo lính của các chiến sĩ trẻ tại các khu di tích lịch sử Điện Biên |
Chiến sĩ trẻ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) tận mắt chứng kiến di tích chiến tranh trên đồi A1 |
Niềm tự hào, chắc hẳn rồi, sẽ khắc ghi vào tim mỗi người lính trẻ hôm nay. Bài học về tinh thần chiến đấu quật cường của cha anh mãi mãi sẽ là tấm gương để mỗi người trong số họ mang theo làm hành trang trong đời lính.
Trong những cuộc gặp của người lính, người đồng đội thì câu chuyện về chiến thắng Điện Biên bao giờ cũng khiến họ cảm thấy tự hào |
Với những người cựu chiến binh dù giờ đây đã bước vào tuổi “thập cổ lai hy”, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng trở lại Điện Biên hôm nay họ như được trở về với tuổi xuân, với dòng ký ức hào hùng. Và đã có những giọt nước mắt tuôn rơi khi thắp hương cho những người đồng đội, đồng chí, những ngôi mộ liệt sĩ vô danh đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất Điện Biên anh hùng.
Nghĩa trang liệt sĩ A1 (thành phố Điện Biên Phủ) nơi an nghỉ của 644 liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ |
Được mệnh danh là “nhân chứng sống” của lịch sử hào hùng về tinh thần chiến đấu quật cường của các liệt sĩ chiến sĩ Điện Biên năm xưa, Nghĩa trang liệt sỹ A1 (nằm tại trung tâm thành phố Điện Biên) sẽ là điểm dừng chân tiếp theo mà bất cứ ai khi “trở về nguồn” không thể bỏ qua.
.... Lặng lẽ tưởng niệm các liệt sỹ tại Nghĩa trang A1 |
Nơi đây chỉ có duy nhất 4 ngôi mộ của những anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can được ghi danh, còn lại 640 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng đều… vô danh.
PV Infonet ghi lại một số hình ảnh màu xanh áo lính trong chuyến "về nguồn" kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014):
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ sừng sững trên đồi D1 |
Trong những ngày tháng 4 lịch sử các đoàn từ cựu chiến binh ,công an và người dân đổ về Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ rất đông |
Hố bom và đường hào trên đồi A1 |
Các chiến sĩ trẻ sư đoàn 316 (Quân khu 2) lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất Điện Biên lịch sử |
Những người lính trẻ tự hào khi khám phá lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ |
Hào tiếp viện quân Pháp tại đồi A1 |
Đường hầm do đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy đội công binh 83 và một đội bộ binh tiểu đoàn 255 đào từ ngày 20.4 đến 4.5.1954 |
Nghĩa trang liệt sĩ A1 nơi có 640 liệt sĩ vô danh đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ |