Làng cá chép đỏ lo mất trăm triệu vì dịch, phải phóng sinh hàng tấn cá
Với 90% số hộ nuôi cá chép đỏ, làng Thủy Trầm từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng bởi nghề nuôi "ông Táo". Năm nay, những tưởng được thu hoạch bội thu nhưng dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra khiến nhiều gia đình có nguy cơ thất thu vì ế.
Những năm trước, cứ vào khoảng đầu tháng Chạp, dù chưa đến Tết ông Táo nhưng cả làng Thủy Trầm nổi tiếng cả vùng với nghề nuôi "ông Táo" đã nhộn nhịp cảnh thương lái vào, ra tấp nập.
Những thương lái từ các tỉnh miền núi Sơn La, Điện Biên rồi từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều đổ về Thủy Trầm mua cá. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là thời điểm gần đến ngày ông Công ông Táo, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại nên không khí nhộn nhịp ở làng đã kém đi, số thương lái về mua cá không còn nhiều khiến người dân nuôi cá ở đây vô cùng lo lắng.
Anh Trần Văn Trí vẫn còn gần chục bể cá chép đỏ chưa bán được. |
Khoảng 1 tháng trước anh Trần Văn Trí, một thương lái tại làng Thủy Trầm vẫn con tươi vui khi biết giá cá năm nay sẽ tăng hơn so với mọi năm. Anh Trí đã quyết định bỏ ra gần 300 triệu đồng để nhập gần 2 tấn cá chép đỏ với giá từ 120.000-150.000 đồng/kg để chờ đến Tết ông Công ông Táo bán.
Thế nhưng, bất ngờ là đến gần ngày 23 tháng Chạp, dịch bệnh bất ngờ bùng phát khiến anh Trí không kịp trở tay.
"Tôi mua gần 2 tấn cá chưa kịp bán đi thì dịch bệnh ập đến, nhiều người hủy đơn trong khi việc vận chuyển đi một số nơi gặp khó khăn nên không bán được nhiều. Chỉ còn 2 ngày nữa thôi là đến Tết ông Táo nhưng hiện giờ tôi vẫn còn một nửa cá chưa bán được.
“Tôi buộc phải giảm giá xuống còn 90.000 đồng/kg để xả hàng và chấp nhận lỗ nhưng cũng không biết có bán được hết hay không. Từ hôm nay đến ngày mai, chăc phải chuyển cá lên ngược lên các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái,… mới mong bán được hết cá. Nếu không bán hết, còn bao nhiêu tôi đành phải tự phóng sinh, vì không có hồ để nuôi lại”, anh Trí ủ rũ nói.
Những ngày này, người dân làng Thủy Trầm tất bật đánh cá phục vụ dịp Tết ông Công ông Táo. |
Những hộ nuôi cá ở làng Thủy Trầm cũng rất lo lắng bởi ngày mai (3/2) là Tết ông Táo rồi nhưng còn rất nhiều cá ở trong ao chưa bán hết. Như trường hợp của ông Bùi Văn Lắm chẳng hạn, đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa bán hết cá trong ao.
"Như những năm trước, cứ vào khoảng 20 tháng Chạp là các lái buôn đã có mặt ở làng gom hết cá nhưng năm nay thương lái về mua ít hơn nhiều. Những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh... không vận chuyển được. Hiện tôi vẫn còn mấy tấn cá trong ao chưa xuất bán được", ông Lắm cho hay.
Giống cá chép đỏ được người dân Thủy Trầm thả nuôi từ khoảng tháng 6 đến đầu tháng Chạp là thu hoạch bán. |
May mắn hơn ông Lắm, đến thời điểm này ông Nguyễn Huy Luận (khu 3 làng Thủy Trầm) mới thở phào nhẹ nhõm vì số cá trong ao của gia đình ông vừa được bán hết.
"Năm nay do thời tiết không ủng hộ nên việc nuôi cá chép đỏ gặp khó khăn nên giá cá năm nay cao hơn năm ngoái. Năm ngoái nhà tôi xuất ra với giá 60 nghìn/kg cá chép đỏ thì năm nay giá tăng gấp đôi, khoảng từ 120.000 đồng/kg. Rất may, gia đình tôi đã có thương lái nhập cho hết rồi, giờ mới dám thở phào yên tâm để ăn Tết”, ông Luận chia sẻ.
Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên có rất ít thương lái về mua cá, điều này khiến nhiều người dân nuôi cá ở đây lo không bán được cá. |
Tại làng Thủy Trầm, mỗi năm đến ngày 23 tháng Chạp, chợ phiên Thủy Trầm lại đỏ rực màu cá. Tuy nhiên năm nay, chợ cá khá đìu hiu, rất ít thương lái đến mua. Nhiều người lo lắng, nếu không bán được hết cá thì phải mang đi phóng sinh.
Bảo Khánh
Những ngôi làng 'ông Táo' nức tiếng, mỗi năm bán cả trăm tấn cá chép đỏ
Những nơi được gọi là làng "ông Táo" như Thủy Trầm (Phú Thọ), Tân Phong (Thanh Hóa) hay ở Đồng Nai.... bởi người dân ở những nơi này chủ yếu nuôi cá chép đỏ để phục vụ thị trường ông Công ông Táo...