Lần đầu tiên duyên hải miền Trung xúc tiến đầu tư chung toàn Vùng
![]() |
Hội nghị xúc tiến đầu tư Vùng duyên hải miền Trung chính thức khai mạc chiều 21/3 - Ảnh: HC |
Chiều 21/3 hội nghị xúc tiến đầu tư chung của 9 tỉnh, thành Vùng duyên hải miền Trung (gồm Thừa thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận) đã chính thức khai mạc tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 400 đại biểu, khách mời trong và ngoài nước.
"Chúng tôi kỳ vọng sự thành công của hội nghị không chỉ dừng lại ở các dự án đầu tư cụ thể mà chính là sự kết nối có hiệu quả giữa các địa phương và các nhà đầu tư thông qua những chương trình hợp tác đầu tư có quy mô lớn, tính khả thi cao trong dài hạn; đồng thời hội nghị tiếp tục trở thành điểm mốc quan trọng trong quá trình hợp tác và phát triển của dải đất duyên hải miền Trung" - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, Trưởng Ban tổ chức hội nghị nêu rõ.
![]() |
Hơn 400 đại biểu, khách mời trong và ngoài nước đã về dự hội nghị - Ảnh: HC |
Theo ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính TƯ, Trưởng Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung, những năm qua Vùng này được nhận diện có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, giữ vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh đối với cả nước. Những tiềm năng, lợi thế đa dạng này đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển KT-XH của từng địa phương và đưa Vùng này từng bước trở thành khu vực kinh tế năng động của cả nước với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,5%/năm trong giai đoạn 2006 - 2011, cao gần gấp 2 lần bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung nhấn mạnh đến lợi thế tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất của vùng này là kinh tế biển. Đây cũng là địa bàn thể hiện lợi thế đặc trưng của Việt Nam về kinh tế biển trong quan hệ cạnh tranh kinh tế khu vực và toàn cầu, mà trong đó Vùng duyên hải miền Trung là mặt tiền hướng ra biển Đông và Thái Bình Dương, là cửa ngõ giao thương với các nước trong khu vực. Lợi thế cạnh tranh về kinh tế biển của Vùng này thể hiện nổi bật ở 4 lĩnh vực: ngư nghiệp, du lịch, cảng biển - các dịch vụ logistics và phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển.
![]() |
TS Trần Du Lịch: "Để có thể chuyển tiềm năng thành lợi thế kinh tế trong cạnh tranh khu vực và toàn cầu, các địa phương Vùng duyên hải miền Trung cần có sự tiếp cận phát triển theo quy mô vùng!" - Ảnh: HC |
"Nhưng như người ta thường nói "trời không cho ai tất cả và không lấy của ai tất cả", bên cạnh ưu đãi của tự nhiên, Vùng này cũng là địa bàn chịu sự khắc nghiệt của mưa bão, lũ lụt, là "cái máng xối" của "mái nhà" Trường Sơn. Đặc biệt, do chậm thực hiện chiến lược quốc gia về kinh tế biển nên lợi thế của Vùng chậm được khai thác tương xứng. Nỗ lực riêng rẽ của các địa phương từ 20 năm qua tuy có mang lại nhiều kết quả, nhưng về tổng thể thì thế mạnh tự nhiên của Vùng vẫn ở dạng tiềm năng" - TS Trần Du Lịch nói.
![]() |
Trưởng Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung Nguyễn Bá Thanh: "Chúng tôi mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn đứng bên cạnh và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhà đầu tư!" - Ảnh: HC |
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cách đây 2 năm, Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung ra đời với sự hưởng ứng tích cực của 7 tỉnh, thành và nay là 9 tỉnh, thành. Theo ông Nguyễn Bá Thanh, việc thực thi các nội dung cam kết được ký tại các kỳ hội thảo giữa các địa phương trong Vùng đã góp phần khuyến khích chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề từng bước xây dựng một không gian kinh tế thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và nhất là bước đầu tạo được sự liên kết vùng - yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH của toàn Vùng.
Việc lần này là lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức chung cho toàn Vùng chứ không còn riêng rẽ từng tỉnh, thành như trước được các đại biểu tham dự đánh giá rất cao, xem đây là cơ hội để gửi thông điệp về một vùng đất giàu tiềm năng, nhiều cơ hội và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
![]() |
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng Lâm Quang Minh (trái) trao đổi với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bên lề hội nghị - Ảnh: HC |
"Với tư duy mới và lòng quyết tâm vì sự phồn vinh của Vùng duyên hải miền Trung, chúng tôi mời gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn đứng bên cạnh và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các nhà đầu tư. Chúng tôi tin tưởng với quyết tâm và đồng thuận cao của các địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành TƯ, sự góp sức hết mình của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, nhất định các tỉnh, thành duyên hải miền Trung sẽ có sự phát triển nhanh, bền vững và hài hoà trong thời gian tới!" - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
Đáp lại sự nhiệt thành này, ông Hiro Yamaoka, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho hay, theo số liệu của Bộ KH-ĐT thì thị phần các dự án đầu tư của Nhật Bản vào phía Bắc và phía Nam Việt Nam là 44% và 50%, trong khi chỉ có 6% ở khu vực miền Trung. Đó là điều dễ hiểu vì Vùng duyên hải miền Trung chỉ mới được chú ý là địa điểm đầu tư trong 10 năm trở lại đây.
"Điều đáng nói là kể từ giữa năm 2000, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ở Vùng duyên hải miền Trung đang ngày càng lớn hơn. Năm 2012, các công ty Nhật Bản đã nhận 13 giấy phép đầu tư và đây là kỷ lục mới ở khu vực này!" - ông Hiro Yamaoka cho hay.