Làm luật kiểu “dễ làm, khó bỏ”
Điểm danh 3 bộ nợ văn bản nhiều nhất
Với một số lượng lớn văn bản hiện nay, Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển đề nghị rà soát xem văn bản luật có tiến bộ không, hay còn nặng nề hơn. Bởi hiện vẫn còn một số luật chưa thực tế, kể cả luật thiết yếu nhưng nhân dân vẫn không thể hiểu và không nắm được. Điều đó cho thấy chất lượng luật, pháp lệnh của ta còn rất nhiều hạn chế.
Theo ông Hiển, nguyên nhân của thực trạng trên do chất lượng xây dựng luật chưa tốt, vẫn còn tình trạng luật khung, luật ống, luật chờ nghị định thông tư. Bên cạnh đó vấn đề nhận thức của người làm luật, cũng như tổ chức thực hiện cũng chưa tốt. Ông đề nghị Quốc hội cần ra nghị quyết, nói rõ trách nhiệm của các Bộ ngành địa phương.
Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng: “Có tư tưởng dễ làm, khó bỏ đấy, khó quá thì bỏ luôn". Ảnh IT |
Đề nghị xem xét chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho rằng: “Có tư tưởng dễ làm, khó bỏ đấy, khó quá thì bỏ luôn. Cứ tình trạng thế này thì chẳng làm gì có văn bản hướng dẫn tốt. Giáo trình còn viết kỹ hơn văn bản hướng dẫn”.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc thì cho rằng, sự phối hợp giữa các Bộ trong nghiên cứu, tham gia xây dựng văn bản, thông tư còn hạn chế. Đề nghị xem trước nhiệm kỳ này vẫn còn nợ đọng bao nhiêu luật, đồng thời ông Ksor Phước cũng đề nghị xem việc ban hành văn bản đó trong nội hàm có bị chồng chéo về nội dung không.
Cho rằng có những luật chưa cần lại ban hành, nhưng có cái rất cần thiết thì lại không ban hành, ông đề nghị khi xây dựng văn bản luật cần lấy ý kiến của chuyên gia, của chính những người làm chuyên môn về lĩnh vực đó. Chẳng hạn luật về y tế thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho biết, năm 2006 còn nợ khoảng 165 văn bản, đến 2010 số nợ giảm còn 45 văn bản, nhưng sang năm 2013 tổng số văn bản nợ lên tới 93.
Cụ thể, ông Lý cũng chỉ rõ những Bộ còn đang nợ đầu bảng: Bộ LĐTB&XH nợ nhiều nhất với 28/42 văn bản, trong đó nợ nhiều nhất là quy định chi tiết hướng dẫn thi hành bộ luật lao động; Thứ 2 là Bộ GD&ĐT với 14/15 văn bản; Kế đến Bộ Tài chính cũng đang nợ 12 văn bản; Bộ Công thương nợ 10/10 văn bản, đáng chú ý là Luật Điện lực dù đã có hiệu lực từ khá lâu nhưng vẫn chưa có một băn bản hướng dẫn nào.
“Tình hình rất xấu, rất nghiêm trọng”
Cho rằng việc triển khai giám sát theo hướng hiện nay còn gây mất thời gian, tiền bạc của nhân dân, Trưởng ban công tác ĐB Nguyễn Thị Nương đề nghị thống kê kinh phí dành để xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay là bao nhiêu. Con số này cần công bố để Quốc hội biết, đánh giá xem đã cân đối chưa, được hay chưa được.
Chủ nhiệm UBKHCN Phan Xuân Dũng phân tích, báo cáo thì nói Chính phủ làm quyết liệt hơn, nhưng thực tế nợ văn bản lại còn rất nhiều. Vậy nguyên nhân do đâu? Mặt khác trong các báo cáo trình UBTVQH hôm nay mới chỉ nêu vai trò của Chính phủ. Còn ông Dũng thể hiện mong muốn nêu thêm vai trò của Quốc hội, của các đoàn ĐBQH trong vấn đề này, bởi vì xây dựng nghị định đâu phải một phía. Có như vậy mới thấy rõ được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân cụ thể.
Cùng đề cập đến vai trò và trách nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, báo cáo của Bộ Tư pháp chưa nói rõ trách nhiệm chính thuộc về ai. Chất lượng cấp dưới trình lên trên vẫn còn kém chất lượng, bởi thế mới dẫn đến luật chỉ mới ban hành, chưa đi vào cuộc sống nhưng đã phải sửa đổi, bổ sung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì chỉ ra 5 tồn tại chính của văn bản hiện nay, là: nợ, chậm, chưa nghiêm túc, chất lượng kém, nội dung không phù hợp. Hiện vẫn chưa xử lý một Bộ, ngành nào không thực hiện nghiêm việc thi hành pháp luật. Theo bà Ngân, giờ phải thực hiện kỷ luật kỷ cương pháp luật và trách nhiệm người đứng đầu. Trên cơ sở đó, Quốc hội nên ban hành NQ chuyên đề về công tác thi hành pháp luật.
Báo cáo thì nói “có tiến bộ”, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn thẳng thắn nhìn nhận: “Tình hình rất xấu, rất nghiêm trọng…Tôi cho việc này rất hệ trọng”. Hết nhiệm kỳ thường báo cáo tốt, nhưng thực tế lại không phải thế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem tác hại của việc này thế nào? Bởi 5 tồn tại hạn chế như Phó Chủ tịch Kim Ngân vừa nêu “nghiêm trọng lắm”.
Đề nghị phải xem tình hình hiện nay tác động đến quyền lợi của người dân thế nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chất lượng văn bản, có đi vào cuộc sống không là tiêu chí đánh giá cao nhất đối với Bộ trưởng và Chính phủ.
Cuối buổi làm việc, UBTVQH đã thống nhất sẽ ban hành NQ chuyên đề về thi hành pháp luật.