“Làm hộ khẩu rất phức tạp, cần phải tạo điều kiện hơn cho dân”
Chiều 21/3, TVQH làm việc, cho ý kiến về những vấn đề xoay quanh Dự thảo sửa đổi Luật cư trú do Bộ Công an đảm trách.
Băn khoăn về một số điểm sửa đổi trong Dự thảo Luật cư trú, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần giải thích rõ nội dung: “Thế nào là trục lợi? Hành vi trục lợi phổ biến với nhóm này như thế nào?
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì cho rằng, Luật chỉ nên áp dụng đối với khu vực nội thành. Về quy định chỗ ở hợp pháp, cho thuê nhà ở phải được công chứng, ông Hiện đề nghị cân nhắc điều này, vì không cần thiết và gây khó khăn đối với người dân. “Theo tôi nên quy định điều này, mà nên tạo điều kiện thông thoáng cho người dân”.
![]() |
Quốc hội đề nghị tạo điều kiện hơn nữa cho người dân trong việc làm hộ khẩu. Ảnh TN |
Với việc cấp sổ tạm trú trong thời gian 12 tháng, Chủ nhiệm UB Tư pháp khẳng định “UB Pháp luật không đồng ý, tôi cũng không đồng ý. Theo tôi nên quy định tối đa 24 tháng”.
Xoay quanh một số nội dung phản ánh trên, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Qúy Ngọ cho biết, một số “hành vi trục lợi” đại biểu băn khoăn là tình trạng thu những khoản phí để cho ở nhờ, hoặc trường hợp có lệnh truy nã, hay người bỏ trốn khi bị xử phạt hành chính.
“Qua điều tra trên 1.000 xe của Việt kiều hồi hương, thông qua hộ khẩu nhập về để đem bán bất hợp pháp là hành vi trốn thuế. Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo làm rõ. Hoặc có trường hợp Việt kiều thông qua hộ khẩu ở thành phố lớn để cho con về nước học”.
Về việc có nên mở rộng hơn nữa quy định những trường hợp được ở với ông bà và người thân, ông Ngọ cho rằng nếu mở quá rộng, như cho các cháu được về sống với ông bà nội, ngoại và người thân thích sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề xã hội. Vì thế chỉ nên quy định nếu bố mẹ mồ côi, trẻ vị thành niên mới được về ở với ông bà.
“Nếu mở rộng hơn cho các trường hợp thì sẽ đầy ắp các quận nội thành, gây áp lực đến an sinh xã hội. Trên thực tế ở khu vực nội thành, chỉ tính các gia đình có hộ khẩu chính thức mà trường học đã không đủ đáp ứng được nhu cầu. Do đó cần phải hạn chế lại” – Thứ trưởng phân tích.
Rời xa khu vực thành phố đông đúc, Chủ tịch hội đồng Dân tộc Ksor Phước phản ánh một số bất cập về việc cư trú ở khu vực miền núi. Theo ông Ksor Phước, tình hình cư trú ở miền núi hiện nay rất phức tạp. Nhất là tình trạng cư trú trước, rồi lập làng mới sau.
“Do chúng ta làm không tốt về quản lý đất đai và Luật cư trú nên mới phức tạp như vậy. Có huyện tới 4/5 là dân nhập cư bất hợp pháp, di cư tự do. Luật cư trú phải điều chỉnh trường hợp này” – Chủ tịch hội đồng Dân tộc kiến nghị.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngọ lại cho rằng, việc điều chỉnh quy định này vào trong Luật sẽ không phù hợp, vì nếu cư trú bất hợp pháp mà lại đưa vào Luật cư trú, như thế lại thành cư trú hợp pháp.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, vấn đề di cư không theo quy hoạch liên quan đến quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh, các chính sách dân tộc tôn giáo… Vì thế phải có sự rà soát, tổng kết rồi sau này sẽ tính thêm.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Luật quy định phải làm sao để thủ tục không rườm rà, có thể đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Vấn đề làm hộ khẩu thường rất phức tạp, vì thế cán bộ đảm nhận chức trách phải quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho mỗi người dân.