Làm gì giúp học sinh đổi thói quen, “bật như lò xo” khi trở lại trường?
Do nghỉ học ở nhà quá lâu khiến học sinh hình thành thói quen mới, thậm chí “ngại” tới trường. Vì vậy cần phương pháp thích hợp để giúp học sinh bắt nhịp lại với việc tới trường học.
Học sinh trở lại trường học (Ảnh minh họa: Lao động online) |
Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên học sinh không thể đến trường, đa số các em học online, học qua truyền hình ở nhà.
Điều này tất yếu sẽ kéo theo những thay đổi về sinh hoạt của học sinh như thức dậy muộn hơn, thay đổi giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ… Việc ở nhà nhiều ngày vô tình hình thành sức ì khiến nhiều em “ngại” đi học trở lại.
Chị Phương Oanh (Hà Nội) chia sẻ, ngay từ những ngày đầu khi các con nghỉ vì dịch bệnh, chị đã muốn cố gắng giữ gìn nền nếp sinh hoạt như cũ để sau này khi hết dịch bệnh thì việc trở lại trường học tập của các con không bị đảo lộn. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành vì các con nghỉ ở nhà quá lâu nên giờ ăn, giờ ngủ, sinh hoạt đảo lộn hết cả.
“Hậu quả là, mấy ngày nay - những ngày nghỉ cuối cùng để tuần tới trở lại trường, khi bắt đầu chấn chỉnh lại nếp sinh hoạt học tập của các con thì cả hai bé đều tỏ ra chán nản, uể oải, không sẵn sàng trở lại trường học như bình thường. Cháu lớn có ý thức hơn nhưng vẫn thể hiện thái độ không vui khi mẹ nhắc tới việc đi học trở lại, còn cháu bé thì khóc mếu, lắc đầu quầy quậy nói “con thích ở nhà, không đi học đâu””, chị Oanh chia sẻ.
Video hài hước về sự thay đổi thói quen của học sinh (nguồn: facebook Trường người ta)
Câu chuyện của nhà chị Oanh chắc chắn không phải là câu chuyện cá biệt mà diễn ra ở khá nhiều gia đình. Vậy bố mẹ, thầy cô nên làm gì để chuẩn bị cho con một tâm lý tốt, một tinh thần nhiều năng lượng, đến trường với động lực lớn nhất sau một thời gian dài các con nghỉ học ở nhà?
Theo chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh – Học viện Quản lý giáo dục, trong thời gian nghỉ học kéo dài, đa số trẻ có xu hướng ngủ trễ, dậy trễ, ngủ trưa trễ và nhiều. Việc này kéo dài một thời gian đã tạo thành thói quen và bố mẹ cần phải giúp con điều chỉnh một vài ngày trước khi đi học lại.
“Với học sinh nhỏ tuổi nhất là các bạn ở lứa tuổi mầm non, để các con không bị tâm lý sợ khi đi học lại, phụ huynh không nên đưa giáo viên ra hù dọa. Thay vào đó, bố mẹ nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, thường xuyên kể lại cho con những chuyện vui ở lớp như: Con sắp được gặp lại bạn A, bạn B mà con thích rồi; được chơi đồ chơi cùng các bạn; nhắc khéo nếu không đi học con sẽ bỏ lỡ rất nhiều trò chơi mà con thích… để tạo cho trẻ sự hào hứng khi sắp đi học trở lại.
Với bậc học lớn hơn, thay vì la mắng, quát tháo, thúc ép thì bố mẹ hãy cùng con lên kế hoạch cụ thể, cho con chủ động xây dựng lộ trình học tập, khởi động lại các mục tiêu trong thời gian tới. Điều này giúp các con chủ động với việc học tập của mình hơn, cho con cảm giác được tôn trọng. Bố mẹ cũng cần đảm bảo cho con một sức khỏe tốt để đến trường bằng việc cho con ngủ đúng giờ, vận động 60 phút/ngày và có một thực đơn đủ dinh dưỡng”.
Chuyên gia Huỳnh Tiến Minh cũng lưu ý, trong những ngày đầu học sinh trở lại trường giáo viên cũng không nên quá đặt áp lực về mặt học tập cho học sinh.
“Vào buổi học đầu tiên, giáo viên nên dành một chút thời gian để cô trò kể chuyện về những ngày vui đã qua, kết hợp với việc ôn lại kiến thức thông qua các trò chơi để buổi học sau kỳ nghỉ dài được diễn ra trong không khí vui nhộn.
Giáo viên đừng ép học sinh học ngay và quá áp lực việc điểm số hay kiến thức, nếu không sẽ gây tác dụng ngược khiến học trò chán nản, buông kiến thức”, chuyên gia Huỳnh Tiến Minh nói.
Hoàng Thanh