Làm chủ kỹ thuật hướng tới tự chủ tài chính
Các bác sĩ trẻ tình nguyện đang sử dụng các kỹ thuật mới của bệnh viện |
Không còn là kỹ thuật đơn giản
Nếu như trước đây trong quan niệm của nhiều người, hệ thống y tế cơ sở đặc biệt là tuyến huyện chỉ thực hiện những phẫu thuật ngoại khoa đơn giản như mổ đẻ, mổ mở ruột thừa... và điều trị những bệnh mạn tính thông thường khác như tăng huyết áp, ho, sốt...
Mới đây, các bác sĩ BVĐK Bảo Thắng đã cấp cứu ca bệnh thập tử nhất sinh với vết thương thấu bụng phức tạp. Bệnh nhân là Nguyễn Văn T. 29 tuổi, Địa chỉ: Xuân Giao - Bảo Thắng - Lào Cai. Nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch: Bệnh nhân lơ mơ, da tái nhợt, mạch nhanh 120 l/p, huyết áp hạ 60/30mmHg, tại thành bụng hố chậu phải có 2 vết thương đang chảy máu. Được chẩn đoán: Sốc mất máu do vết thương thấu bụng, nghi tổn thương mạch máu. Bác sĩ Nguyễn Duy Đạt kíp trưởng đã phẫu thuật thành công ca bệnh này.
Bác sĩ Đạt cho biết bệnh nhân có hai vết thương ngoài da vùng hố chậu phải nhưng vô cùng phức tạp. Vào ổ bụng kiểm tra thấy có tổn thương động mạch chậu trong, 4 vết thương bờ tự do xuống hai quai hỗng tràng, một vết thương xuyên qua mạc treo, cách góc hồi manh tràng 40cm, xuyên xuống phúc mạc thành sau vùng tiểu khung trái. Toàn bộ phúc mạc thành sau tiểu khung, tụ máu lan rộng lên hố chậu phải, đến góc thận phải.
Kíp phẫu thuật đã mổ phúc mạc thành sau vùng tiểu khung, thấy vết thương đứt 2/3 động mạch chậu trong chảy máu - Kíp phẫu thuật tiến hành chẹn động mạch chủ bụng để khâu cầm máu động mạch chậu trong, khâu vết thương hỗng tràng, vết thương mạc treo, đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau khoảng 02 giờ phẫu thuật và truyền 2 đơn vị máu, bệnh nhân đã ổn định.
Thành công của các ca bệnh khó đã phần nào khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ vì sức khỏe nhân dân vì sự công bằng trong tiếp cận y tế đối với người dân.
Nỗ lực vì sức khỏe nhân dân
Y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng giúp cho hệ thống y tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư TW Đảng đã nêu rõ: “Mạng lưới y tế cơ sở (gồm y tế thôn bản, xã, phường, thị trấn, quận huyện, thị xã) là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, đảm bảo cho mọi người được chăm sóc sức khỏe cơ bản, với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa”. Với chủ trương đưa dịch vụ y tế đến với người dân, nhất là vùng khó khăn, thực hiện công bằng, hiệu quả trong khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao.
Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như Đề án Bệnh viện Vệ tinh, Đề án 1816, Bác sĩ gia đình, và đặc biệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo trên cả nước” đã và đang đào tạo 78 bác sĩ thuộc 9 chuyên ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội với một khung chương trình đào tạo đặc biệt theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Đây sẽ là những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao được đưa về các vùng khó khăn tiến tới cân bằng y tế giữa các vùng. Bên cạnh đó, tại các bệnh viện tuyến huyện cũng luôn quan tâm tạo điều kiện đưa bác sĩ đi học nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức y khoa mới để về địa phương phục vụ đồng bào.
BS. Nguyễn Quang Hưng, BVĐK Bắc Hà chia sẻ “chúng tôi được đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại các bệnh viện tuyến trung ương, chúng tôi được cập nhật kiến thức từ các thầy ở tuyến trên nên tự tin để xử lý các ca bệnh khó mà trước đây chưa xử lý được. Vì vậy đã tạo niềm tin trong nhân dân và làm thay đổi quan niệm của nhiều người… Các bác sĩ ở những vùng khó khăn như thế này luôn phải nỗ lực không ngừng vì nhiệm vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.