Lãi vay - nỗi ám ảnh của những “con nợ” bất động sản
Các tổ chức tín dụng là “bà đỡ” của nền kinh tế, “hà hơi tiếp sức” cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lãi suất cho vay thời gian qua đối với thị trường bất động sản (BĐS) là một sự “khắc nghiệt” đến nghẹt thở!
Sân bóng đá Thành Long, huyện Bình Chánh (TPHCM), với cơ ngơi đạt chuẩn quốc tế, một thời lẫy lừng, từng là nơi tập luyện thường xuyên của đội tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Calisto đã góp phần cho bóng đá Việt Nam lần đầu tiên vô địch Cúp Đông Nam Á năm 2008. Ánh hào quang ấy lùi vào dĩ vãng. Năm ngoái, Sacombank đã bắt đầu rao bán khoản nợ là tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty cổ phần Dịch vụ Văn hóa - Thể thao Thành Long, bao gồm các thửa đất có diện tích tổng cộng 7,6ha và toàn bộ công trình xây dựng trên đất.
Khối tài sản trên thế chấp tại Sacombank từ tháng 2-2012 đến tháng 5-2019, vốn gốc là 680 tỷ đồng, lãi vay là 649,5 tỷ đồng. Lần rao bán đầu tiên mức giá là 1.330 tỷ đồng (gồm vốn và lãi), đến ngày 17-7 năm nay nhà băng vẫn tiếp tục rao bán. Chỉ trong vòng 7 năm lãi vay gần bằng gấp đôi, thật khủng khiếp. Trước đây điều tương tự xảy ra tại dự án Thảo Loan Plaza, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Năm 2008 chủ đầu tư vay 534 tỷ đồng từ Agribank, tài sản thế chấp là dự án khu chung cư; khoảng 4 năm sau lãi suất gần 200 tỷ đồng. Lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con, rơi vào vòng xoáy khó khăn, không chịu được, chủ đầu tư đành buông tài sản để cho ngân hàng tự xử lý!
Trên đây là một trong vài ví dụ trong hàng ngàn trường hợp để thấy rằng, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực BĐS thật khủng khiếp! Đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS, hầu như thực hiện dự án nào cũng có bóng dáng của vốn ngân hàng thông qua cho vay hoặc phát hành trái phiếu. Khi “bốc” vốn vay, có người nói vui rằng, lãi suất sinh sôi đều đặn, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, ngày tết; lãi vay gần như “vô cảm” với các diễn biến thời cuộc! Ví dụ một chuyện thời sự nóng hổi, hai đợt dịch Covid-19 bùng phát, chuyện buôn bán, triển khai dự án bị ngưng trệ, nhưng việc vay vốn của chủ đầu tư đều không được giảm lãi suất; trong khi đó lãi suất tiền gửi đã giảm một nửa, chỉ còn loanh quanh 3,5%/năm. Đặc biệt hơn, từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 đến nay, chỉ tính riêng tại TPHCM có ít nhất 126 dự án nhà ở bị giậm chân tại chỗ vì vướng đất công xen cài. Dự án không thể triển khai vì vướng pháp luật nhưng không vì thế mà lãi suất dừng lại!
Về cơ cấu hình thành dự án BĐS, từ vốn của chủ đầu tư, cộng với vốn vay ngân hàng và lãi vay - sẽ nhập thành vốn, tất nhiên bao gồm các chi phí không tên khác. Theo dõi các khoản vay của doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, hầu hết các khoản vay có lãi suất trên 10%/năm, đối với phát hành trái phiếu có trường hợp lên đến 14%/năm. Một chuyên gia BĐS ví von, gần như là chu kỳ, cứ sau mỗi 10 năm, nếu doanh nghiệp BĐS phá sản thì thôi, còn trụ được thì sẽ cõng trên lưng món nợ hàng ngàn tỷ đồng là bình thường. Có những doanh nghiệp nợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng hoặc hàng trăm ngàn tỷ đồng. Như vậy, một dự án BĐS càng kéo dài, lãi vay sẽ càng cao thì dẫn tới giá thành sẽ càng cao. Vì thế, câu chuyện đòi hỏi giá nhà, đất hạ gần như phi lý trong bối cảnh lãi suất cao, các vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời và nợ xấu BĐS cũng hình thành từ đây. Phải chăng, báo cáo lãi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm của các ngân hàng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các “con nợ” BĐS?
Thị trường BĐS đóng vai trò cực kỳ quan trọng của nền kinh tế, khi thị trường đóng băng, nền kinh tế rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Do đó, cần có cái nhìn toàn diện, từ tháo gỡ vướng mắc chính sách đến giải quyết bài toán lãi suất cho vay, cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Nhà nước phải có đủ các công cụ về chính sách và tài chính để điều tiết thị trường BĐS mới kỳ vọng vào việc kéo giá nhà tụt xuống, nhằm cải thiện tình trạng: chủ đầu tư, người mua nhà làm ra đồng nào gồng lưng “nuôi” ngân hàng; nhà nước kêu gào xây dựng nhà giá rẻ không xong, trích ngân khố hỗ trợ người nghèo mua nhà cũng khó khăn; còn giá nhà đất cứ tăng mãi…
Lãi suất điều hành giảm thêm 0,5%, mặt bằng lãi suất sẽ ra sao?
Trước quyết định của NHNN về giảm lãi suất điều hành xuống còn 4%/năm, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, động thái này không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường.
Theo www.sggp.org.vn