Lạ lùng "rò rỉ" văn bản Đà Nẵng xử lý kiến nghị của Thép DaNa - Ý từ... 2 tháng trước

Ngày 30/9, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép DaNa – Ý Huỳnh Văn Tân cho hay vừa tiếp tục có văn bản 78/CV-DNY đề nghị UBND TP Đà Nẵng sớm trả lời về phương án đền bù hỗ trợ Công ty di dời nhà máy; cho phép Công ty chuyển mục đích sử dụng đất để bù đắp thiệt hại...

Không phải mới đây mà văn bản từ gần 2 tháng trước

Trao đổi với PV Infonet sáng 30/9 về một số thông tin trên báo chí ngày 29/9 cho hay UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản xử lý các kiến nghị của hai Công ty CP Thép DaNa – Ý và DaNa – Úc, đặc biệt là việc họ xin chuyển mục đích sử dụng đất do đang có nguy cơ phá sản vì phải dừng sản xuất kéo dài, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép DaNa – Ý tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

Nhà máy thép DaNa - Ý cửa đóng then cài vì bị chính quyền TP Đà Nẵng dừng sản xuất kéo dài (Ảnh: HC)

“Không biết có vấn đề gì khi đến hôm qua một số báo mới đưa thông tin này không, nhưng từ tháng 8/2019 thì UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản liên quan đến vấn đề đó rồi.

Tuy nhiên tôi không biết họ có thực hiện như trong văn bản đó không, vì sau khi ban hành văn bản ngày 12/8 đến nay thì không thấy gì cả. Không biết các vị có tiếp tục triển khai văn bản đó không thì chúng tôi không rõ!” – Ông Huỳnh Văn Tân nói.

Được biết, ngày 12/8/2019, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có văn bản số 5428/UBND-KTTC về “xử lý kiến nghị doanh nghiệp”, gửi các Sở Công thương, Xây dựng, Tài chính, TNMT... về các biện pháp giải quyết.

Trong đó, giao BQL Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng căn cứ chức năng, nhiệm vụ bố trí đất cho Công ty CP Thép DaNa – Ý thuê tại đường số 3 KCN Hòa Khánh để di dời phân xưởng cán thép (không luyện) theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại Công văn 4008/UBND-KTTC ngày 18/6/2019 và đã được Thường trực Thành ủy thống nhất tại Thông báo số 511-TB/TU ngày 4/6/2019; hoàn thành và báo cáo kết quả cho UBND TP trước ngày 16/8.

Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty CP Thép DaNa – Ý về chuyển đổi một phần diện tích thành đất ở (6,2ha/15ha tại đường Nguyễn Tất Thành), có văn bản trả lời cho doanh nghiệp, đồng thời gửi văn bản cho UBND TP để báo cáo trước ngày 16/8.

Giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý kiến nghị của Công ty CP Thép DaNa – Úc đề nghị quy hoạch lại phần đất 4,3ha (thuộc phần đất dự trữ mở rộng Cụm công nghiệp Thanh Vinh phía Tây nhà máy) thành khu đô thị, đảm bảo thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định; hoàn thành và báo cáo kết quả cho UBND TP trong tháng 8/2019.

UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng chủ trì, làm việc với các ngân hàng thương mại và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ hai Công ty CP Thép DaNa – Ý và DaNa – Úc khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất cho vay và hỗ trợ kinh phí di dời nhà máy theo thẩm quyền.

Nhà xưởng của Thép DaNa - Ý bỏ hoang...

Đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở KH-ĐT, Quỹ Đầu tư phát triển TP và các đơn vị liên quan căn cứ chủ trương, chính sách của TP có văn bản trả lời cho doanh nghiệp được biết, đồng thời gửi văn bản cho UBND TP để báo cáo trước ngày 16/8/2019.

DaNa – Ý không thấy có động thái triển khai nào?

“Mặc dù văn bản 5428/UBND-KTTC ngày 12/8/2019 của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh giao các sở ngành hữu quan xử lý các đề xuất của hai Công ty, thời hạn thực hiện “trước ngày 16/8” và “trong tháng 8/2019” nhưng đến nay chưa có bất cứ tiến triển nào. Chưa thấy có ai của UBND TP Đà Nẵng hay các sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ có sự tiếp xúc với Công ty hay có động thái nào triển khai các chỉ đạo tại văn bản 5428/UBND-KTTC cả.

Vì vậy, ngày 23/9 vừa qua, chúng tôi đã có thêm văn bản 78/CV-DNY đề nghị UBND TP Đà Nẵng thực hiện chỉ đạo của mình tại các Công văn 4008/UBND-KTTC (ngày 18/6) và 5428/UBND-KTTC (ngày 12/8) về đồng ý chủ trương di dời xưởng cán thép của DaNa – Ý vào KCN Hòa Khánh. Đồng thời Công ty nhiều lần khẳng định sẵn sàng di dời xưởng luyện thép ra ngoài địa phận Đà Nẵng theo chủ trương quy hoạch của TP!” – ông Huỳnh Văn Tân khẳng định.

Theo đó, DaNa – Ý tiếp tục kiến nghị UBND TP Đà Nẵng đền bù, hỗ trợ kinh phí di dời xưởng luyện ra khỏi địa phận TP và đưa xưởng cán vào KCN Hòa Khánh (giá trị thực tế sẽ do các đơn vị chuyên môn thẩm định, đánh giá, lập dự toán). Đồng thời cho phép chuyển đổi các quyền sử dụng đất thuộc tài sản của Công ty tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh từ “đất sản xuất kinh doanh” thành “đất ở” để bù lỗ (hiện đã lên đến 700 tỉ đồng) mà Công ty phải gánh chịu trong quá trình bị chính quyền TP Đà Nẵng tạm dừng sản xuất.

DaNa – Ý cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương cho Công ty vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của TP để thực hiện dự án di dời nhà máy; hỗ trợ lãi suất phần dư nợ hiện nay và nợ phát sinh di dời nhà máy trong 05 năm đầu để Công ty có thời gian khôi phục lại sản xuất.

“Do thời gian bị dừng sản xuất kéo dài, kết quả hoạt động kinh doanh lỗ nặng đã làm nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty bị mất hoàn toàn. Trước nguy cơ phá sản, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể với hy vọng cứu sống nhà máy, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp, TP và xã hội, đồng thời đảm bảo chủ trương quy hoạch của TP.

Tuy nhiên thêm văn bản 78/CV-DNY gửi đi, đến nay đã một tuần nhưng chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ hồi âm nào!” – ông Huỳnh Văn Tân cho hay.

Máy móc thiết bị trở thành đống phế liệu!

Sẽ có thêm đơn kiện bổ sung?

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, vì bị chính quyền TP Đà Nẵng nhiều lần dừng hoạt động dẫn tới tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi phải đối mặt với nguy cơ phá sản, từ tháng 2/2019, Công ty CP Thép DaNa - Ý đã nộp đơn khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đòi bồi thường thiệt hại gần 400 tỉ đồng (tính đến hết năm 2018).

Thêm 9 tháng trôi qua, ông Huỳnh Bá Tân cho hay, hiện nợ xấu ngân hàng của Thép DaNa – Ý đã lên tới 700 tỉ đồng; cổ phiếu bị Ủy ban Chứng khoán đưa vào diện cảnh báo, không có giao dịch mua bán; nguy cơ phá sản cũng như sức ép của các cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng lớn nên rất cần sự vào cuộc khẩn trương và kịp thời chính quyền TP Đà Nẵng để Công ty có thể vượt qua trở ngại.

“Nếu việc hỗ trợ di dời càng bị để kéo dài thì khả năng tái thiết hoạt động nhà máy càng thấp, thời gian phục hồi sản xuất càng lâu và thiệt hại càng lớn. Như vậy buộc lòng chúng tôi sẽ phải có thêm đơn kiện bổ sung, yêu cầu bồi thường thêm thiệt hại do máy móc bị niêm phong, trở thành phế liệu… Con số sẽ không dừng ở 400 tỉ đồng như khi chúng tôi khởi kiện hồi tháng 5/2019 mà tới giờ đã lên 700 tỉ rồi!” – Ông Huỳnh Văn Tân nói.

Đáng chú ý, ông Tân cũng khá ngạc nhiên khi văn bản 5428/UBND-KTTC đã được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành hữu quan từ cách đây hơn một tháng rưỡi, thời hạn thực hiện cũng đã kết thúc cách đây cả tháng nhưng không hề có động thái xử lý nào của các cơ quan hữu quan TP Đà Nẵng thì không thấy có báo chí nào đưa tin.

Bỗng nhiên sau khi UBND TP Đà Nẵng bị xử sơ thẩm thua kiện Công ty Vipico cách đây mấy hôm thì lại thấy xuất hiện thông tin báo chí về nội dung văn bản 5428/UBND-KTTC (nhưng không ghi rõ số văn bản cũng như thời gian phát hành) khiến dư luận hiểu UBND TP Đà Nẵng vừa thống nhất chủ trương tháo gỡ khó khăn cho Thép DaNa – Ý.

“Không biết việc đưa tin như vậy có mục đích gì?” – Ông Huỳnh Văn Tân đặt câu hỏi.

Đã được cảnh báo, vì sao Đà Nẵng vẫn để Thép Dana - Ý kiện ra tòa?

Trước đó, ngày 14/3/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh có văn bản 1753/UBND-STP gửi Ban cán sự đảng UBND TP để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, qua rà soát cơ sở pháp lý và tình hình thực tế, ông Hồ Kỳ Minh cho hay:

"Việc ngừng hoạt động của 02 nhà máy (Dana – Ý và Dana – Úc) cũng như ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo đúng quy định pháp luật (như yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại Thông báo 336-TB/TU ngày 2/3/2018 – PV) là chưa đủ cơ sở pháp lý vì không chứng minh được hành vi vi phạm về môi trường cũng như vi phạm về thực hiện hoạt động đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư của 02 chủ đầu tư theo quy định của pháp luật”.

Đặc biệt, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: “Hiện nay, thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đã thông báo tạm dừng hoạt động đối với 02 nhà máy. Tuy nhiên việc thông báo tạm dừng là chưa đúng quy định của pháp luật vì đây phải là hình thức xử phạt bổ sung kèm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Với thông báo tạm dừng này, DN có thể khởi kiện UBND TP tại TAND để yêu cầu bồi thường thiệt hại vì tạm dừng hoạt động nhà máy không đúng quy định pháp luật”.

Tuy nhiên ngày 13/11/2018, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng có văn bản số 451-TB/TU thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 7/11/2018. Theo đó, trên cơ sở Kết luận thanh tra số 785/KL-TTTP ngày 5/10/2018 của Thanh tra TP Đà Nẵng, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng “thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của hai nhà máy thép Dana – Úc và Dana – Ý”.

Ông Huỳnh Văn Tân cho hay, bức xúc trước quyết định này của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ngày 30/1/2019, Thép Dana – Ý đã có đơn khởi kiện gửi đến TAND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên sau một thời gian chờ động thái hợp tác của chính quyền Đà Nẵng không thành, đến ngày 28/2/2018, Công ty mới chính thức kiện các quyết định của chính quyền ra tòa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

HẢI CHÂU
Từ khóa: Đà Nẵng đạo diễn thép DaNa - Ý thép DaNa - Úc khởi kiện phá sản Hồ Kỳ Minh

Agribank lần thứ 9 liên tiếp được vinh danh giải thưởng Sao Khuê

Vượt qua nhiều giải pháp, 2 hệ thống/sản phẩm của Agribank được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ 9 liên tiếp (2016-2024) Agribank nhận giải thưởng này.

Cơ chế giá điện 2 thành phần là công bằng hơn giá điện 1 thành phần

Hiện Việt Nam áp dụng biểu giá điện 1 thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng giá điện 2 thành phần.

Bảo hiểm FWD gây ấn tượng với thông điệp truyền cảm hứng mới

Mới đây, FWD Việt Nam tiếp tục chứng minh sức mạnh vượt trội trong cách khai thác thông điệp cùng hình tượng sáng tạo nhưng gần gũi thông qua chiến dịch thương hiệu mới “Sống đầy cùng FWD Bảo hiểm dễ hiểu” (Time to play).

Agribank dành 10.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 4,0%/năm

Khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng như: mua nhà, sửa nhà, mua xe… có thể tiếp cận nguồn vốn 10.000 tỷ đồng của Agribank, với lãi suất chỉ từ 4,0% /năm.

Xóa độc quyền vàng miếng, giá vàng SJC sẽ lập tức giảm mạnh

Theo các chuyên gia, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, chưa cần đến việc cho nhập khẩu vàng hay không thì giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng.

Vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Eximbank nói cán bộ xử lý quá máy móc

Theo lãnh đạo Ngân hàng Eximbank, cán bộ xử lý thẻ phải căn cứ vào vụ việc, đề xuất mức thu lãi, báo cáo lãnh đạo trước khi làm việc với khách hàng. Nhưng cán bộ đã quá máy móc khi gửi thông báo đến cho khách mà chưa báo cáo lãnh đạo.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Ngân hàng có buộc phải xóa nợ?

Vụ việc khách hàng của Eximbank là anh P.H.A nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng vẫn chưa ngã ngũ. Nếu 2 bên không có tiếng nói chung, một bên không trả nợ, một bên không sửa trên hệ thống thì khoản nợ mãi treo lơ lửng.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị biến thành món nợ 8,8 tỷ gây nhiều tranh cãi. Nợ xấu để lại hệ luỵ cho cả người vay lẫn ngân hàng. Chủ thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không phải rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Sự thật vụ 'quên' trả nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm thành 8,8 tỷ

Vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh đang gây 'sốc'. Khách hàng vay thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng nhưng không đóng lãi nhiều năm. Đến nay, cả gốc lẫn lãi lên đến 8,8 tỷ đồng.

Agribank nỗ lực truyền thông giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên

Agribank phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức nhiều chương trình giáo dục tài chính, đặc biệt cho học sinh, sinh viên để hiểu biết đúng và đầy đủ về các vấn đề tài chính ngân hàng trong bối cảnh xã hội phát triển và chuyển đổi số.