Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt “cái chết từ từ”
Cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. |
Nhận định trên do tạp chí Al-Monitor đưa ra.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo mô hình phát triển của các nước châu Á khi tất cả các quyết định quan trọng đề do Tổng thống và ê kíp cộng sự đưa ra. Các cơ chế kiểm tra và phản biện các quyết định (do Tổng thống đưa ra) đang bị suy yếu, dẫn đến chất lượng điều hành chính phủ bị suy giảm”- chuyên gia kinh tế Timothy Ash thuộc tập đoàn tài chính Nomura tuyên bố trên tạp chí Al-Monitor.
Theo Timothy Ash, trong 14 năm cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ mang đậm nét tính cách của ông Erdogan khi chính sách này chỉ tập trung đầu tư vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nhu cầu trong nước. Ê kíp của ông Erdogan cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ giúp làm giảm lạm phát và do đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách này bị cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu phản đối mạnh mẽ khi ông cho rằng chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cần phải dựa trên cơ sở các nguyên tắc ngân sách và cải cách cơ cấu kinh tế nhằm duy trì sự ổn định trên thị trường chứng khoán.
Do bất đồng trong chính sách kinh tế nên Erdogan bắt đầu thâu tóm quyền lực vào tay mình, khởi đầu bằng việc cách chức ông Davutoglu. Tuy nhiên, hành động này gần như ngay lập tức có những tác động rất tiêu cực đến bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay hôm Thủ tướng Davutoglu mất chức, thị trường chứng khoán Stambul đã suy giảm 8%. Phản ứng tiêu cực này của thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng xảy ra kể từ năm 2001 khi có sự chuyển giao quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Al-Monitor cũng dẫn chứng các số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã suy thoái trong những tháng đầu năm 2016. Đây là xu hướng nối tiếp cho xu hướng đã bắt đầu xảy ra từ năm 2013 khi chính phủ nước này bị tố cáo tham nhũng.
Trong năm 201-2015, bối cảnh chính trị không ổn định dẫn đến kinh tế tiếp tục suy thoái. Trong vòng 50 năm trở lại đây, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tăng trưởng, trung bình là 4,5%/năm nhưng sự tăng trưởng của kinh tế nước này trong 4 năm gần đây chỉ đạt khoảng 3%.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nếu không tiến hành các cải cách về cơ cấu kinh tế, quan điểm kinh tế của Tổng thống Erdogan sẽ khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trượt dốc.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Koc Kamil Yilmaz thuộc trường đại học tổng hợp Stambul cho rằng sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là do nước này không tiến hành một cuộc cải tổ về cơ cấu của nền kinh tế.
Ngoài ra, các sự kiện chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 năm trở lại đây đã dẫn đến làm suy giảm các chương trình đầu tư. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào cảnh “cái chết từ từ”.
“Để tránh được “cái chết từ từ”, các chính trị gia cần phải chú ý đến các biện pháp như giảm lãi suất. Mặc dù trong tương lai ngắn hạn, biện pháp này có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng nhưng về trung và dài hạn, chính sách này sẽ buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá. Bất cứ cú sốc nào đó từ bên ngoài cũng nhấn chìm nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2001. Khi đó, vì khủng hoảng kinh tế mà nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã suy giảm 5,7%”.
Bối cảnh chính trị bất ổn, các vụ khủng bố đang gia tăng đang có những tác động mạnh mẽ đến việc làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm mất ổn định xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ tính mấy tháng đầu năm 2016 đã có 240 công ty, trong đó có cả các tập đoàn kinh tế lớn, phải cần đến sự trọ giúp của chính phủ để tránh được nguy cơ phá sản. Đối với các ngân hàng, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều khoản tín dụng xấu với tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,8 lên 3,3%.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế đang dự báo rằng con số nợ xấu của các ngân hàng thực tế có thể lên đến 6% nên sẽ có những tác động tiêu cực không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới.
Bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên ảm đạm sau khi các ngân hàng đầu tư quốc tế như Commerzbank, JP Morgan và Morgan Stanley đã giảm dự đoán về triển vọng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thời gian tới.
Được biết, các dấu hiệu bất ổn đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn sau sự vụ không quân nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga trên vùng trời Syria hồi tháng 11/2015.
Khi đó, Nga lập tức đã ban hành một loạt chính sách cấm vận kinh tế và ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa hành động này. Du lịch là một trong các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ các lệnh cấm vận của Nga khi Nga cấm công dân nước mình đi du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria Novosti.