Kinh hoàng biến chứng từ bấm lỗ tai
Hình ảnh của bệnh nhân sau bấm lỗ tai |
Sẹo lồi vì bấm lỗ tai
Dù đã có hai lỗ tai được bấm từ nhỏ ở dưới phần dái tai nhưng vì muốn tạo thêm cá tính cho mình nên Nguyễn Thu Ph. 21 tuổi, quê Thái Bình đã bấm thêm lỗ tai ở phần tai trên.
Ph cho biết khi bấm lỗ tai xong về nhà Ph. bị sưng phần bấm lỗ nhưng nghĩ do nhiễm trùng nên Ph. chỉ mua nước oxy rửa. Tuy nhiên, 1 tháng sau thì hình thành sẹo to như ngón tay ở phần sau tai. Vì sợ quá, Ph. lại dấu bố mẹ lấy tóc che đi. Phần sẹo tai cứ ngày một đùn to ra khiến Ph. sợ hãi.
Gần 1 năm trước, Ph. được bố mẹ đưa lên bệnh viện tỉnh mổ cắt sẹo nhưng sau đó vài tháng sẹo lại xuất hiện và to lên nhanh chóng. Khi đến khoa Thẩm mỹ của Bệnh viện Đại học Y thì sẹo tai đã phát triển của ở vành tai trước và tai sau, làm biến đổi vành tai của Ph.
Trường hợp của Nguyễn Văn Thắng, SN 1999, trú tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang nhập viện do 2 bên lỗ tai bị mọc khối u to gây khó chịu. Theo lời Thắng thì khoảng 1 năm trước đây, Thắng tự bấm 2 lỗ tai để đeo khuyên tai làm đẹp.
Sau đó, ngay 2 chỗ vết bấm bị nhiễm trùng, có mủ gây ngứa ngáy khó chịu. Nghĩ là chỉ bị phản ứng nhẹ nên thay vì đi cơ sở y tế điều trị, Thắng dùng nước muối, nước oxy già rửa lên 2 vết thương. Làm nhiều lần như vậy, Thắng thấy vết bấm không giảm ngứa, chỗ nhiễm trùng ngày càng phát triển thành khối u to. Vì nhà nghèo, bán vé số không tiền đi điều trị nên Thắng đã sống chung với 2 lỗ tai bị biến chứng sưng phù gây dị dạng suốt thời gian dài.
Đến khi thấy tai của Thắng như đeo hai khối u mọi người xung quanh góp tiền để đưa Thắng tới bệnh viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hợp Nhân chia sẻ, trường hợp biến chứng sau bấm lỗ tai không phải hiếm. Tại Bệnh viện Đại học Y nơi bác sĩ Nhân công tác tháng nào cũng gặp 4 – 5 ca từ sẹo to đến sẹo nhỏ. Những bệnh nhân như Ph. cũng có rất nhiều sau mổ sẹo lại tái phát.
Vì sao hình thành sẹo
Theo bác sĩ Nhân bấm lỗ tai vùng dái tai thì tỷ lệ biến chứng thành sẹo như trên hiếm hơn nhưng khi bấm lỗ tai phần sụn vành tai tỷ lệ lành thương rất chậm và nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Vùng bấm lỗ tai an toàn |
Càng liền thương chậm, càng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao bởi bác sĩ Nhân cho biết, thứ nhất có thể dụng cụ bấm lỗ tai của mình không chuẩn, thứ hai việc chăm sóc sau khi bấm lỗ tai không đảm bảo yếu tố vô khuẩn nên nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Nếu người có sức đề kháng tốt thì có thể có lỗ tai đẹp nhưng với người sức đề kháng kém, sống trong môi trường không được sạch sẽ thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, biến chứng gặp nặng nề.
Khi bấm lỗ tai không chỉ là sẹo lồi vành tai mà biến dạng vành tai, sụn, tổ chức sẹo không chỉ ở mặt sau tai mà nó sẽ xuyên qua lỗ tai và hình thành ở sẹo ở mặt trước của tai khiến vành tai bị biến đổi.
Với những trường hợp này, bác sĩ Nhân cho biết việc điều trị rất khó khăn. Nếu bệnh nhân đến sớm phẫu thuật còn dễ nhưng đa số bệnh nhân đến muộn bởi tâm lý có tóc che tai. Bác sĩ phải cắt sẹo tạo hình lại vành tai bằng các vạt da tại chỗ, nhiều trường hợp sẹo lồi toàn bộ vành tai phải cắt bỏ sẹo lồi và ghép da lên vành tai hoặc. Tuy nhiên, bác sĩ Nhân cho rằng có ghép da cũng không thể được tai đẹp như ban đầu.
Ngoài ra, khi bị sẹo sau bấm lỗ tai, việc xử lý cũng cần phải lưu tâm. Bác sĩ Nhân gặp nhiều bệnh nhân bị sẹo tái đi tái lại. Bởi với sẹo vùng tai, bác sĩ Nhân cho biết ngoài phẫu thuật bác sĩ còn áp dụng biện pháp chống sẹo như kem bôi, tiêm và bệnh nhân phải khám định kỳ nếu sẹo phát triển phải xử lý ngay không để quá lâu.
Nếu không xử lý triệt để, sẹo có thể phát triển lại nhanh chóng có khi 3 đến 6 tháng đã có sẹo trở lại và to gấp 2 - 3 lần so với cũ. Bởi theo bác sĩ Nhân khi cắt sẹo cũ, nó sẽ hình thành sẹo mới. Với ưu điểm việc cấp máu của vùng đầu mặt cổ vốn là vùng cấp máu tốt giúp liền sẹo tốt nhưng có bất thường về hình thành colagen thì việc cấp máu tốt vô tình thúc đẩy cho sự hình thành colagen gây nên sẹo lồi.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo, dù là bấm lỗ tai cũng cần phải vệ sinh dụng cụ, hấp nhiệt hoặc ngâm qua cồn để khử trùng. Chọn các cơ sở bấm lỗ tai có phòng ốc sạch sẽ. Ngoài ra, khi bấm lỗ tai nên bấm ở vùng dái tai, tránh bấm vùng sụn tai. Sau khi bấm lỗ tai nếu chảy dịch đục hoặc có mùi phải đến khám tại các cơ sở y tế để tránh sẹo gây biến dạng tai.