Khủng hoảng vùng Vịnh: Mỹ tính di dời căn cứ quân sự "khủng" khỏi Qatar
Theo Business Insider, việc liên minh các nước Ả Rập mà đứng đầu là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) quyết định cắt đứt quan hệ và phong tỏa Qatar hồi đầu tháng Sáu đã khiến giới chức quân sự và chính trị Mỹ không khỏi bối rối.
Trong khi các nước Ả Rập đưa ra hàng loạt yêu sách với Doha để nối lại quan hệ thì Qatar lại tỏ ra "không mấy quan tâm".
Chính cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang tiến tới mức cực đỉnh đã khiến giới chức Mỹ vô cùng quan ngại nhất là khi căn cứ quân sự quy mô lớn và quan trọng nhất của Mỹ ở trong khu vực lại nằm ngay tại Qatar mang tên Al Udeid. Đây là nơi đóng quân của khoảng 11.000 quân nhân Mỹ. Từ căn cứ này, Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ tiến hành các đợt tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria, Iraq và Afghanistan.
Căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ ở Qatar. |
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng công khai ủng hộ chiến dịch cô lập Qatar do UAE dẫn đầu đồng thời lên tiếng chỉ trích Doha. Theo ông Trump, việc di dời căn cứ Al Udeid sẽ không gặp bất cứ trở ngại nào.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Christian Broadcasting Network mới đây về việc cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ tác động như thế nào tới căn cứ quân sự Al Udeid, ông Trump chia sẻ: "Nếu chúng tôi buộc phải di dời Al Udeid, sẽ có tới 10 quốc gia sẵn sàng xây cho Mỹ một căn cứ khác. Hãy tin tôi, họ sẵn sàng trả tiền để làm việc này".
Ông Trump cũng loại bỏ khả năng xảy ra xung đột với Doha. "Chúng tôi đang có mối quan hệ tốt đẹp với Qatar. Chúng tôi cũng không gặp phải bất cứ vấn đề gì với căn cứ Al Udeid. Nhưng nếu chúng tôi cần một căn cứ quân sự khác, có nhiều quốc gia sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ xây dựng", ông Trump nói.
Trong khi đó, khi được hỏi về tình hình tại căn cứ Al Udeid, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đô đốc Jeff Davis cho biết: "Đối với hoạt động quân sự thì cần phải nghĩ tới phương án B, phương án C và thật bất cẩn nếu như Mỹ không nghĩ tới chuyện này. Còn trong tình hình hiện tại, chúng tôi tự tin rằng căn cứ quân sự ở Qatar vẫn có thể được sử dụng".
Sự chia rẽ giữa Qatar và các nước láng giềng được xem là cuộc khủng hoảng ở một khu vực từng được coi là khá ổn định ở Trung Đông. Chiến dịch tẩy chay Qatar do UAE dẫn đầu diễn ra chỉ sau vài ngày ông Trump gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ả Rập ở UAE. Theo cáo buộc của một số quốc gia láng giềng, Qatar đã ủng hộ và thậm chí tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài việc có chung tiếng nói phản đối Qatar như liên minh do UAE dẫn đầu, ông Trump còn ủng hộ liên minh này đưa ra những lời chỉ trích đối với Iran khi cho rằng, chính Tehran là nguyên nhân gây bất ổn cho khu vực. Thực tế, cuộc khủng hoảng vùng Vịnh lại đang giúp Iran tăng vị thế trong khu vực. Bởi Al Udeid được xem là nơi xuất phát cho mọi hoạt động của Mỹ nhằm vào Iran ở khu vực Trung Đông. Do đó, một khi quan hệ giữa Qatar với các nước láng giềng và Mỹ bị xói mòn, kế hoạch kiềm chế Iran của Mỹ chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ.
Trên thực tế, dù ông Trump đã đưa ra những lời chỉ trích với Doha, Mỹ vẫn tiếp tục để căn cứ Al Udeid hoạt động và duy trì quan hệ với Qatar.
Cụ thể, vào giữa tháng Sáu, hải quân Mỹ và Qatar đã hoàn thành các bài tập huấn luyện chung ở vùng biển phía đông Qatar. Thậm chí, Mỹ còn ký kết một thỏa thuận mua bán vũ khí với Qatar chỉ trong vòng chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ hành động cô lập Qatar của UAE.
Giới chức Lầu Năm Góc và cả Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng từng thừa nhận, căng thẳng ngoại giao ở Qatar đang ảnh hưởng tới kế hoạch hoạt động lâu dài của Mỹ trong khu vực.
Còn theo phát ngôn viên Davis, mọi hoạt động ở căn cứ Al Udeid vẫn đang diễn ra bình thường như trước đây.
"Bất chấp tình hình hiện tại ở Qatar, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng toàn bộ và tiếp cận căn cứ này. Chúng tôi có thể cung cấp thêm cho căn cứ và tiến hành hoạt động ở đây", Military Times dẫn lời ông Davis.