Khủng hoảng Ukraine: Tất cả là vì khí đốt
Cuộc khủng hoảng Ukraine hay cuộc đối đầu Đông – Tây căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh đang ngày một nóng lên cũng không là một ngoại lệ.
Người biểu tình ném bom xăng Molotov vào cảnh sát chống bạo động ở Kiev hồi tháng 2/2014. |
Trước hết, về phía EU, liên minh này phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt của Nga và hiện nay họ đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Còn về phía Moscow, nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ đóng góp 52% ngân sách liên bang hàng năm. Về phần mình, Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt của Nga đồng thời cũng là vị trí địa lý chiến lược của Nga.
Và những căng thẳng cũng bắt đầu nảy sinh từ đây
Phương tiện gây sức ép
Từ khi Liên bang Xô Viết tan vỡ, năng lượng luôn là phương tiện gây sức ép của Nga đối với Ukraine. Nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này trên thực tế không sản xuất nhiều khí đốt để có thể độc lập về năng lượng, trong lúc Nga dư thừa về khí đốt. Cần nói thêm rằng Nga là nước sản xuất khí đốt đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Xét về những lý do gần gũi địa lý, Ukraine nhập khẩu toàn bộ lượng khí đốt từ người hàng xóm Nga với chi phí đỡ tốn kém hơn nhiều so với các nơi khác. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái".
Năm 2006, hãng Gazprom đã khóa van cung cấp khí đốt cho Ukraine do nghi ngờ nước này bán lại khí đốt với giá cao hơn cho châu Âu. Mối bất hòa đã được giải quyết vài ngày sau đó. Nhưng 3 năm sau, xung đột lại tái diễn. Lần này, Gazprom đòi 2 tỷ USD tiền cung cấp khí đốt mà Ukraine chưa trả. Khủng hoảng kéo dài 3 tuần trước khi đi đến một thỏa thuận. Trong cả hai trường hợp, Nga không chần chừ để đưa ra quyết định cuối cùng bằng cách cắt nguồn cung cấp khí cho người hàng xóm. Kết quả là thỏa thuận chung lại nghiêng về phía Nga. Ngược lại, người Nga luôn "quyến rũ" Ukraine về nguồn khí đốt để giữ nước này trong vòng ảnh hưởng của mình.
Khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych sắp ký thỏa thuận liên kết và tự do hóa thương mại với EU thì Nga đưa ra kế hoạch viện trợ 15 tỷ USD và giảm 30% giá bán khí đốt. Như vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến ông Yanukovych thay đổi ý kiến. Kể từ khi cuộc nổi dậy của phái thân châu Âu nổ ra, Gazprom thông báo cho Ukraine biết rằng từ nay họ sẽ không được hưởng giá mua khí đốt ưu đãi nữa. Biểu giá mới sẽ có hiệu lực ngay từ tháng Tư tới.
Ukraine và vị trí chiến lược
Xét về góc độ địa lý, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Ukraine dường như là đương nhiên. Khi Nga đóng van cung cấp khí cho Ukraine thì cả châu Âu bị ảnh hưởng. Thế nhưng, trong lúc tranh chấp với Ukraine, Nga không thể trừng phạt châu Âu về khí đốt. Người Nga, cùng với một số công ty lớn của châu Âu đã lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí mới với đường nhánh qua Ukraine. Ở phía Bắc, tuyến đường ống "Dòng chảy phương Bắc " (North Stream) nối liền Nga và Đức qua biển Baltique. Ở phía Nam, tuyến "Dòng chảy phương Nam " (South Stream, hiện vẫn đang được xây dựng) nối châu Âu qua Bulgaria và Hungary. Như vậy, 90% lượng khí đốt châu Âu vốn được trung chuyển qua Ukraine thì nay chỉ còn 60% và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Đối với các vấn đề năng lượng, Ukraine ngày càng ít quan tâm tới châu Âu hơn và cũng có ít lý lẽ để đàm phán các hợp đồng khí đốt với Nga.
Sự độc lập châu Âu - Nga
Từ mấy ngày qua, EU đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu nước này tham gia can thiệp quân sự vào vùng Crimea. Nhưng liệu EU có dám trừng phạt Nga không khi mà 30% lượng khí đốt vẫn đang đến từ Nga. Trừ khi vấn đề đặt ra mang nghĩa khác. Khi người ta biết rằng khí đốt và dầu mỏ chiếm 70% nguồn thu nhập từ xuất khẩu của Nga và nguồn năng lượng này đóng góp 52% vào ngân sách liên bang thì người ta không rõ lắm làm thế nào mà Nga lại không cần món lời từ khách hàng đầu tiên là EU và các quốc gia thành viên. Theo ông Philippe Copinschi, chuyên gia về các vấn đề năng lượng quốc tế, xét về ngắn hạn, châu Âu sẽ khó chịu khi không được Nga cung cấp khí đốt nữa. Nhưng về lâu dài, ông Putin không thể quản lý khi không có nguồn thu từ thuế này. Nước Nga cũng không thể bỏ qua mối quan hệ chính trị và kinh tế với châu Âu. Cho nên, người ta cũng không rõ lắm liệu những đòn trừng phạt mà châu Âu định áp dụng liệu có liên quan đến vận chuyển khí đốt.
Dần dần, người ta nhận thấy dẫu sao, châu Âu vẫn muốn lờ đi việc tiêu thụ khí đốt của Nga. Hiện nay, dự án đường ống dẫn khí Nabucco đi qua Thổ Nhĩ Kỳ để lấy nguồn khí tại Azecbaidjan đang được nghiên cứu. Bên cạnh đó còn có dự án đường ống "xuyên Adriatique" để chuyển khí đốt từ Azecbaidjan sang Hy Lạp và Italy. Nếu các dự án này được thực hiện thì Tổng thống Putin không thể dùng con bài khí đốt như một vũ khí chính trị lâu dài nữa.