Khủng hoảng Ukraine
Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ Ukraine rơi vào khủng hoảng vì nước này có vị thế địa lý vô cùng nhạy cảm. Cả Nga và phương Tây đều muốn nắm chặt nước này để bảo vệ các chiến lược địa chính trị của mình.
Sân bay Donetsk tan hoang vì các cuộc giao tranh. |
Cũng từ đây, căng thẳng giữa Nga – phương Tây bị đẩy lên đỉnh điểm, dẫn đến nguy cơ nổ ra Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi các nhóm đối lập phát động các cuộc biểu tình ủng hộ châu Âu ngay sau khi chính quyền Ukraine hoãn đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) và bày tỏ ý định thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga hôm 21/11/2013.
Ban đầu, phong trào biểu tình diễn ra một cách hòa bình nhưng sau đó bị biến thành bạo động, dẫn tới việc Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ vào ngày 23/2/2014.
Khi bạo lực ở Kiev vừa lắng xuống, thì tại miền Đông Ukraine, nhiều người thân Nga lại xuống đường biểu tình để phản đối việc ông Yanukovych bị lật đổ và phản đối chính quyền mới. Tại các khu vực Cộng hòa tự trị Crimea, Donetsk và Luhansk xuất hiện các tay súng lạ mặt. Đó chính là khởi đầu cho sự xuất hiện của lực lượng ly khai ở Ukraine.
Tổng thống Nga Putin thăm Crimea hồi tháng 5/2014. |
Sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3, Crimea chính thức sáp nhập Nga.
Đến ngày 7/4, phiên họp của Hội đồng Donbass (vùng Donetsk) đã diễn ra tại hội trường chính của hội đồng khu vực và nhất trí thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Nước cộng hòa Luhansk tự xưng cũng ra đời với hình thức tương tự ngay sau đó.
Ngày 15/4, Tổng thống tạm quyền Ukraine, Olexander Turchynov, tuyên bố bắt đầu "chiến dịch chống khủng bố" nhắm vào phe ly khai thân Nga. Chiến dịch sau đó được Tổng thống Petro Poroshenko duy trì. Kể từ đó, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát cũng như các cuộc giao tranh đẫm máu giữa quân ly khai và cảnh sát liên tục diễn ra.
Đến ngày 5/9, tình hình có vẻ khả quan hơn khi chính phủ Ukraine và quân ly khai kí được thỏa thuận ngừng bắn. Tuy vậy, thỏa thuận này cũng không thể ngăn được các cuộc giao tranh tại miền Đông.
Những diễn biến ly khai ở cả Crimea, Luhansk và Donetsk liên tiếp diễn ra trước sự phản đối của cả chính phủ Kiev, phương Tây và Mỹ. Họ cáo buộc rằng Nga không những châm ngòi phong trào ly khai mà còn tiếp vũ khí và nhân lực cho quân ly khai.
Trong khi đó, Nga liên tục bác bỏ những cáo buộc trên nhưng cũng nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ những người dân tộc Nga tại miền Đông Ukraine.
Cho đến nay, những nỗ lực củng cố lệnh ngừng bắn hôm 5/9 như thiết lập “Ngày bình yên” hay “Đường phân định” đã có một số dấu hiệu tích cực.
Tuy vậy, vẫn chưa ai có thể khẳng định được, khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới.
Theo số liệu công bố ngày 20/11 của Liên Hiệp Quốc, các cuộc xung đột giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã giết chết 4.317 người và khiến 9.921 người bị thương.