Khủng hoảng lương thực đẩy Syria xuống nấc cùng cực mới
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho hay, tình trạng thiếu lúa mì đang ngày càng tồi tệ.
Hasaka, một tỉnh phía đông bắc chiếm gần một nửa sản lượng lúa mì của cả Syria, luôn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng dân quân người Kurd YPG và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Một cánh đồng ở tỉnhRas al-Ain ở Syria. |
Các cơ sở hạ tầng nông nghiệp, như các kênh tưới tiêu, kho lương thực, đã bị phá hủy. FAO cũng cho biết, các cơ sở cung cấp giống cây trồng nhà nước trên toàn quốc đều bị phá hủy. Do vậy, những cơ quan này hiện chỉ cung cấp được một phần mười nhu cầu về hạt giống của nông dân.
Các cuộc bắn phá cũng làm giảm đáng kể diện tích đất canh tác. Năm 2016, diện tích đất chỉ còn 2,16 triệu ha, giảm từ 2,38 triệu ha so với năm 2015 và từ 3,125 triệu ha so với năm 2010 (trước khi nội chiến xảy ra).
Nội chiến đã phá hủy nghiêm trọng nền nông nghiệp Syria. |
Dù không sản xuất được nhiều nhưng nông dân cũng rất khó bán sản phẩm của mình. Trong khi đó, năm 2015, chỉ còn 22 cơ quan thu mua nhà nước còn hoạt động, giảm tới 6 lần so với trước nội chiến.
Theo FAO, với thực trạng trên, Syria sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc nội chiến chưa có dấu hiệu kết thúc. Do vậy, Syria rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Việc thiếu thốn lương thực (đặc biệt là lúa mì) đang giáng một đòn mạnh vào đất nước có 22 triệu dân này, vốn đang ở tình thế cùng kiệt vì các cuộc xung đột.
Năm ngoái, Syria chỉ sản xuất được 450.000 tấn lúa mì, đáp ứng một phần ba nhu cầu ở các khu vực do chính phủ kiểm soát là 1,5 triệu tấn.
Trước khi cuộc nội chiến xảy ra, Syria có thể sản xuất tới 4 triệu tấn lúa mì trong một năm và có thể xuất khẩu tới 1,5 triệu tấn.
Đầu năm 2016, Liên Hợp Quốc cho biết, các khu vực do IS kiểm soát, với khoảng 400.000 dân, đang bị đói khát.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.