Khủng hoảng đồng rúp Nga
Đầu tuần trước, giá trị đồng rúp rơi xuống mức 80 rúp/USD, giảm mạnh so với mức trung bình là 30-35 rúp/USD ở nửa đầu năm 2014. Nguyên nhân đồng rúp trượt giá được cho là do tác động của giá dầu giảm mạnh và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đồng rúp Nga vừa trải qua một đợt trượt giá thảm hại so với đồng USD. |
Đồng rúp mất giá đã gây hoang mang cho nhiều người dân Nga. Họ đổ xô đi mua sắm vì lo sợ giá sẽ bị đẩy lên cao nữa. Các mặt hàng nhập khẩu cũng buộc phải tăng giá hoặc tạm dừng bán hàng ở Nga.
Ban đầu, đồng rúp sụt giảm bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nga, bao gồm việc bán ngoại tệ và tăng mạnh lãi xuất từ 10,5% lên 17%. Tuy nhiên, sang tuần này, cùng với các biện pháp mạnh mẽ hơn của chính phủ, bao gồm việc kêu gọi các công ty xuất khẩu lớn bán ra một phần ngoại tệ, giá trị đồng rúp đã phục hồi được đáng kể. Tính đến ngày hôm nay (26/12), 52 rúp đổi được một USD.
Hôm 25/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước này đã kết thúc. Ông khẳng định, đồng rúp đang mạnh lên và cho biết Ngân hàng Trung ương sẽ hạ lãi xuất khi tình hình ổn định hơn.
Tuy vậy, dự trữ ngoại hối của nước này sụt sâu và lạm phát đã lên mức 10,4% và có thể lên 11% vào cuối tháng này. Đây là lần đầu tiên lạm phát ở Nga vượt ngưỡng tâm lý 10% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009.
Tuần trước, dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã giảm gần 16 tỷ USD xuống mức dưới 400 tỷ USD, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2009. Các nhà phân tích cho rằng, Moscow phải chi khoảng 5 tỷ USD để "chống đỡ" đồng rúp, khoảng 7 tỷ USD làm ngoại tệ cho các ngân hàng vay, một biện pháp giúp ổn định đồng tiền.