Không thể trả IMF 1,7 tỷ USD, Hy Lạp đặt một chân xuống vực thẳm
Hy Lạp trở thành quốc gia phát triển đầu tiên tuyên bố võ nợ trước IMF, một tổ chức gồm 188 nước thành viên có nhiệm vụ giúp nền kinh tế thế giới ổn định. Hy Lạp giờ đây đã không được nhận bất kỳ khoản viện trợ nào từ IMF cho đến khi nợ được trả.
Sự kiện này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Hy Lạp thực hiện một nỗ lực cuối cùng khi yêu cầu một khoản viện trợ mới từ châu Âu, nhằm ngăn chặn nền kinh tế rơi vào hỗn loạn. Nước này đã đề nghị một chương trình cứu trợ kéo dài 2 năm với khoản tiền 32 tỷ USD.
Nhiều người dân Hy Lạp đã lên tiếng không ủng hộ điều kiện mà các chủ nợ châu Âu đưa ra. |
Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước châu Âu đã có cuộc hội đàm qua điện thoại và dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp mới trong ngày 1/7, Hy Lạp sẽ tham gia cuộc điều trần này.
Bộ trưởng của Hà Lan Jeroen Djisselbloem, Chủ tịch của cuộc họp này, cho biết bất kỳ khoản viện trợ mới cho Hy Lạp sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn những gì nước này đã từ chối vì tình hình tài chính ngày một xấu đi ở Hy Lạp. Ông nói: “Đó sẽ không phải là một con đường bằng phẳng”.
Hy Lạp đang sắp cạn ngân sách. Họ đã từ chối những điều kiện của châu Âu và IMF để nhận được số tiền cứu trợ còn lại trong chương trình cứu trợ vừa hết hạn vào ngày 30/6.
“Cơ hội cuối cùng để kéo dài hạn chót của chương trình cũ đã biến mất. Chúng ta đang gặp phải một tình huống khó khăn”, Djisselbloem cho biết.
Hiện tại, Hy Lạp đang phải tự lực về mặt tài chính, nhưng họ không thể trả hết các khoản chi. Một chương trình cứu trợ lần thứ ba từ châu Âu sẽ cần thời gian thương thảo. Nếu quan điểm của chính phủ Hy Lạp không thay đổi, vòng đàm phán sẽ không đạt được kết quả mong muốn.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 về những điều kiện của châu Âu nhằm cung cấp viện trợ cho đất nước. Ông mong muốn người dân sẽ bỏ phiếu phản đối.
“Đó sẽ không phải là nền tảng bền vững để có cuộc hội đàm nghiêm túc và mang tính xây dựng”, ông Djisselbloem cho biết.
Lãnh đạo các nước châu Âu nói rằng việc người dân bỏ phiếu trả lời “không” sẽ đưa Hy Lạp trên con đường rời EU, còn nếu là “có” cuộc đàm phán mới có thể sẽ tiếp tục.
Trong ngày 30/6, các ngân hàng ở Hy Lạp vẫn đóng cửa và người dân đã bị giới hạn số tiền có thể rút ra trong ngày (chỉ 60 euro) nhằm đưa đất nước trụ vững về tài chính trước cuộc trưng cầu dân ý.
Các ngân hàng tại Hy Lạp đã mất hàng tỉ euro trong nhiều tháng nay, ngay cả trước khi khủng hoảng nợ có chuyển biến xấu và nhiều người đã xếp hàng trước các máy ATM tại Athens để rút tiền.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.