“Không thể thay đổi cơ quan soạn thảo Luật Biểu tình”
Như Infonet đã đưa tin sáng 26/7, Quốc hội đã xem xét Tờ trình về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận đó là việc chậm ban hành Luật Biểu tình.
Thảo luận về dự án luật này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, việc ban hành Luật Biểu tình nhằm triển khai Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Các nghị quyết của Bộ chính trị từ năm 2005, các Nghị quyết Đảng gần đây cũng đề ra trách nhiệm quản lý của mình.
“Tính công khai và tập trung là 2 đặc trưng chủ yếu của quyền này, không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của xã hội và đất nước. Đây là quyền hiến định với quy định của Hiến pháp nên trước hết chúng ta phải làm luật để tạo hành lang cho nhân dân thực hiện quyền này, nhà nước thực hiện trách nhiệm quản lý, chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
![]() |
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, ĐBQH đoàn Hà Nội. |
Cùng quan điểm, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết ông chưa đồng tình về việc rút dự án Luật Biểu tình.
Theo ông Xuyền, dự án luật này ở khoá trước phát biểu rất nhiều, đến nay Chính phủ lại rút và rút không biết đến bao giờ trình ra.
“Đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng. Nếu giao Bộ Công an trực tiếp chủ trì soạn thảo dự án luật này thì có cái khó vì Bộ Công an là tham mưu giúp việc cho Chính phủ về đảm bảo an ninh trật tự lại trực tiếp soạn thảo luật liên quan rất nhiều cái đó. Đề nghị Chính phủ nên giao cho Bộ Tư pháp trực tiếp chủ trì soạn thảo, Bộ Công an đứng bên cạnh phản biện. Như thế có thể tiến độ xây dựng luật này được cải thiện. Để Bộ Công an xây dựng sẽ khó”, ông Xuyền nói.
Xung quanh việc lùi dự án Luật Biểu tình này, trao đổi với phóng viên Infonet bên hành lang Quốc hội chiều ngày 28/7, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, ĐBQH đoàn Hà Nội cho biết, Luật Biểu tình đã được Quốc hội thảo luận ở Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 nhưng qua thảo luận và ý kiến của các đại biểu thấy rằng còn có một số vấn đề Ban soạn thảo phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, phải nghiên cứu thấu đáo hơn, đảm bảo nguyên tắc của Hiến pháp.
“Cái này Hiến pháp năm 2013 đã thông qua, việc thực hiện nguyên tắc của Hiến pháp phải được thể chế hóa bằng các luật trong đó có luật người dân hiện nay quan tâm là Luật Biểu tình. Tuy nhiên, luật này phải bảo đảm được xem xét thấu đáo từ cơ quan soạn thảo đến cơ quan trình hồ sơ, lúc đó Quốc hội mới có điều kiện xem xét”, ông Chiến cho biết.
Trước ý kiến của ĐBQH cho rằng không nên giao cho Bộ Công an soạn thảo dự thảo Luật Biểu tình mà nên giao cho Bộ Tư pháp, ông Chiến cho biết, ý kiến của các đại biểu còn có nhiều quan điểm khác nhau về cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được xem xét ở ngay thời điểm ban đầu khi mà quyết định giao cho cơ quan chủ quản nào có trách nhiệm để soạn thảo.
"Đây đã ở giai đoạn cuối, Quốc hội thông qua rồi nhưng ý kiến của các đại biểu như vậy thì Quốc hội sẽ tiếp thu để xem xét ở những dự luật sau cho phù hợp hơn. Với trường hợp này không thể thay đổi cơ quan soạn thảo, theo quan điểm của tôi là như vậy”, ông Chiến nói.