Không thể ngồi sui với chồng cũ?
Ông chồng mới rít lên: “Còn tình ý như vậy thì về với nhau đi!”, dù việc chào hỏi chị vợ và chồng cũ không có gì quá đáng.
Tôi vừa dự đám cưới của đứa em họ, một đám cưới lẽ ra rất vui nếu có được sự đồng thuận và lòng bao dung của người lớn. Câu chuyện bắt nguồn từ việc mẹ chú rể - chồng của cô em họ tôi - “bẻ kèo”.
Các em kể, trước đám cưới, bên nhà chú rể đã xảy ra một cuộc nội chiến căng thẳng. Mẹ chú rể chỉ muốn sánh vai cùng ông chồng sau, chứ nhất định không chịu cho ông chồng cũ - là cha ruột chú rể, “ngồi sui” cùng với mình.
Cha của chú rể là người nhà quê chơn chất hồn hậu, sau ly hôn ông vẫn một mình ở vậy lo cho con cái. Một tay ông lo liệu mọi bề và muốn tự tay trao vàng cưới cho con dâu, cũng như có mặt trong bữa lễ gia tiên tại nhà gái, để chứng kiến con trai mình nên gia thất.
Sau khi nghe nhiều người góp ý, và quan trọng là hai nhân vật chính hết lời “năn nỉ”, mẹ của chú rể cũng đã đồng ý với kế hoạch là bà vẫn cùng ông chồng sau “ngồi sui”, ông chồng trước sẽ ngồi bên cạnh ông trưởng tộc, là người đại diện cho nhà trai trao sính lễ và vàng cưới cho con dâu.
Thế nhưng, đến lúc ông trưởng tộc tuyên bố mời người đại diện nhà trai, bà lại nhanh tay kéo ông chồng sau đứng dậy thẳng tiến lên sân khấu.
Cha ruột chú rể tất nhiên cảm thấy buồn, cả họ nhà nội chú rể từ bà nội đến cô bác đều không vui. Đám cưới bỗng chốc buồn hiu vì những tiếng xầm xì, chì chiết, và cuối cùng là họ rời đi ngay sau khi cáo lỗi với nhà gái.
Những tấm hình cưới của các em rồi sẽ lưu giữ lại những khoảnh khắc cô dâu chú rể cười như mếu, còn hai cặp sui gia không ai nở được nụ cười.
Ảnh minh họa |
Tôi từng chứng kiến cảnh một ông chồng đùng đùng bỏ đi, để lại cái va-li to tướng cùng lỉnh kỉnh túi xách, ba-lô cho vợ ngay giữa sảnh ra ga quốc nội, chỉ vì cô vợ vô tình gặp chồng cũ và họ hỏi thăm nhau mấy câu.
Ông rít lên từng tiếng “còn tình ý như vậy thì về với nhau đi!”, dù việc chào hỏi giữa hai người ấy không có gì là quá đáng. Người vợ lộ rõ vẻ sợ hãi, vội vàng kéo hành lý chạy theo anh ta. Anh chồng cũ định giúp, nhưng hình như sợ sự việc càng nghiêm trọng, nên chỉ biết đứng nhìn theo.
Đôi lúc tôi lại nhớ về câu chuyện ngày hôm ấy và cảm xúc của người vợ đó. Hẳn chị đã rất xấu hổ với người chồng cũ, và với những người xung quanh chứng kiến câu chuyện. Có lẽ, với một tâm hồn đóng kín như người chồng hiện tại của chị, việc duy trì bất cứ sự kết nối nào với người cũ, đều là điều không thể chấp nhận được. Phải chăng, với người cũ, người ta nên xóa bằng hết mọi sự liên kết, tồn tại để được “yên thân”?
Tôi nghĩ đến bữa tiệc sinh nhật thật trọn vẹn và hết sức vui nhộn của anh bạn thân của chồng tôi. Anh đến với người vợ hiện tại sau một lần đổ vỡ, vợ cũ của anh đã có gia đình mới, con cái cũng đã lớn.
Trong bữa tiệc sinh nhật ấy có sự hiện diện của tất cả con chung, con riêng, vợ mới, vợ cũ của anh và chồng mới của chị ấy. Thậm chí anh chồng mới còn nhảy tót lên sân khấu tặng quà và hát ca nhảy nhót tưng bừng.
Thường ngày, họ vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết và gắn bó, thỉnh thoảng lại tụ tập vào cuối tuần để ăn uống hát hò. Mỗi khi một nhà có công việc, nhà kia lại rần rần kéo đến hỗ trợ nhiệt tình như là chuyện của nhà mình.
Sau một cuộc hôn nhân tan vỡ, khó lắm thay việc giữ được tình cảm tốt đẹp giữa những người trong cuộc, nhưng không phải là không thể. Dẫu vẫn biết rằng, từ tình bạn đến tình yêu và hôn nhân thì dễ, chứ ngược lại không đơn giản chút nào. Nhưng nếu chịu khó đặt mình vào vị trí người khác, và mở lòng ra để cảm thông, thì biết đâu ta lại có thêm những người bạn quý. Và hãy nghĩ gần hơn, cuộc đời này ngắn lắm…
Theo www.phunuonline.com.vn