Không phải thương mại, đâu mới là cuộc chiến căng thẳng nhất của Mỹ-Trung?
Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt vấn đề mâu thuẫn trong đó cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa hai nước có thể đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào cảnh lao đao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Song chiến tranh thương mại không phải là vấn đề khó nhằn nhất mà Mỹ - Trung đang phải đau đầu tìm cách giải quyết. Thay vào đó, sự bất đồng quan điểm ngày càng lớn cùng những vấn đề liên quan tới Biển Đông và châu Phi mới là những chủ đề khiến Mỹ - Trung có thể rơi vào cảnh xung đột quân sự.
Đầu tiên, Biển Đông hiện được xem là vấn đề hàng đầu trong các phiên nghị sĩ kinh tế và chính trị của giới chính trị gia Trung Quốc. Đây cũng chính là khởi nguồn của Con đường Tơ lụa trên biển đối với Trung Quốc. Dự án nhằm biến Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu thế giới. Hàng năm, Biển Đông mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD.
Với tấm bản đồ “đường chín đoạn’ phi lý, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông. Để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền đơn phương, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hóa trái phép trên Biển Đông. Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh còn khơi dậy cái gọi là chủ nghĩa dân tộc nhằm giành thêm sự ủng hộ từ dư luận trong nước.
Tuy nhiên, hành động ngang ngược của Trung Quốc không chỉ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà ngay cả nhiều quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển chiến lược cũng đã có hành động "thách thức" Bắc Kinh.
Cụ thể, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Australia đã nhiều lần điều động tàu chiến tới Biển Đông để thực hiện hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược. Hành động của các tàu chiến nước ngoài còn ngầm gửi đi thông điệp phản đối những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Còn theo Forbes, Biển Đông hiện được xem là nơi có thể xảy ra một cuộc đối đầu quân sự giữa lực lượng quân sự Trung Quốc với các tàu chiến nước ngoài mà cụ thể là Mỹ. Nếu không may chiến tranh trên Biển Đông bùng phát, thị trường tài chính và kinh tế trong khu vực sẽ sụp đổ.
Điểm nóng thứ hai trong quan hệ Mỹ - Trung là châu Phi bởi lục địa Đen hiện là một trong những trọng tâm đầu tư và thu lời kinh tế của Bắc Kinh. Cụ thể, châu Phi mang lại cho Trung Quốc các nguồn kinh tế quan trọng với giá rẻ. Đây cũng chính là khu vực mang lại nhiều cơ hội siêu lợi nhuận cho các công ty xây dựng Trung Quốc. Châu Phi còn là thị trường hàng đầu tiêu thụ các mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc cũng như thiết lập cầu nối với khu vực Mỹ Latinh cho Bắc Kinh. Quan trọng hơn, các quốc gia châu Phi còn giữ vai trò là người ủng hộ cho những tuyên bố và quan điểm của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.
Tất cả những yếu tố trên khiến châu Phi trở thành mục tiêu làm Trung Quốc “vừa lòng”. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường cử phái đoàn kinh doanh sang châu Phi hàng năm. Những phái đoàn này vừa đảm bảo hoạt động triển khai các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đảm nhận, vừa ký kết thêm hàng loạt thỏa thuận thương mại nhằm biến châu Phi trở thành “lục địa thứ hai” của Trung Quốc.
Vấn đề rắc rối chính là việc ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng xem châu Phi là “mồi ngon” chính trị và kinh tế. Cụ thể, theo thống kê của Viện nghiên cứu Trung - Phi thuộc Đại học John Hopkins, Mỹ hiện là nhà “tài trợ” lớn nhất của lục địa Đen.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang liên minh với Mỹ để chủ động đầu tư thêm vào khu vực châu Phi.
Mối quan hệ Trung – Nhật từng rơi vào cảnh căng thẳng chỉ vì châu Phi. Cụ thể, hồi năm 2016, sau khi Hội thảo quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) diễn ra ở Kenya, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Nhật Bản tránh xa châu Phi. Thậm chí, Bắc Kinh còn cáo buộc Nhật Bản cố tình “mồi chài” các nước châu Phi để thu lại lợi ích riêng cũng như chia cắt mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ở lục địa Đen.
Theo Forbes, việc Trung Quốc gọi Nhật Bản đầu tư vào châu Phi chỉ nhằm thu lợi ích riêng đã nói lên chính mục đích của Bắc Kinh ở lục địa Đen. Bởi phần lớn các nước đầu tư vào châu Phi đều vì mục đích riêng của mình. Do đó, vì lợi ích quốc gia, Mỹ - Trung sẽ không chịu nhường bước trước cộng thêm với những bất đồng trong vấn đề Biển Đông, quan hệ giữa hai cường quốc này hoàn toàn có nguy cơ biến thành xung đột quân sự. Và chắc chắn, hậu quả của xung đột quân sự Mỹ - Trung sẽ lớn hơn rất nhiều so với “cuộc chiến thương mại” giữa hai nước hiện thời.