Không ngại "va chạm" với Trung Quốc, tàu chiến Mỹ sẽ thường xuyên tới Biển Đông
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới chức Mỹ đã bật đèn xanh về việc Washington sẽ tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng sẽ tham gia vào hoạt động này. Còn theo giới quan sát, khả năng Trung Quốc sẽ "không để yên".
Tàu chiến của hải quân Mỹ. |
Kể từ đầu năm nay, hải quân Mỹ đã hai lần thực hiện tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Hồi tháng Một, tàu khu trục USS McCampbell đã tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Tới ngày 11/2, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã xuất hiện gần bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong cả hai lần Mỹ điều động tàu chiến tới Biển Đông, Trung Quốc đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân Mỹ đã 5 lần tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2018. Năm 2017 là 4 lần và năm 2016 và 2015 cũng là 4 lần.
Hồi đầu tuần này, Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cho hay hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ ngày càng thường xuyên hơn. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 12/2, ông Davidson nhấn mạnh Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua “việc gieo rắc nỗi sợ hãi và hành động bắt nạt”. Đây là lý do Mỹ cùng các đồng minh bao gồm Anh sẽ tăng cường hoạt động tuần tra nhằm gửi đi thông điệp rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngay cả trong bài phát biểu ở Hội nghị An ninh Munich hôm 16/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng cho hay, Washington vẫn duy trì những lời cam kết ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, phát biểu trong cùng sự kiện trên, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào gây ảnh hưởng tới chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc dưới chiêu bài tuần tra đảm bảo tự do hàng hải.
Không ít lần Trung Quốc đã điều động tàu thuyền tới “cảnh báo và ngáng đường’’ tàu chiến Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Theo giới quan sát, đây có thể là hành động làm bùng nổ va chạm quân sự giữa hai nước.
Cụ thể, vào ngày 30/9/2018, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.
Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động của tàu Luyang buộc tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.
Theo luật hàng hải quốc tế, tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hoàn toàn được phép di chuyển gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Tuy nhiên, tàu chiến Lanzhou của Trung Quốc lại có pha áp sát nguy hiểm buộc tàu hải quân Mỹ phải thay đổi lộ trình để tránh va chạm.
Ông Yue Gang, một thượng tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu nhận định Trung Quốc đang ngày càng chịu sức ép lớn từ hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Do đó, khả năng Bắc Kinh sẽ điều động thêm tàu thuyền bao gồm tàu chiến của lực lượng bảo vệ bờ biển tới Biển Đông.
Song theo ông Yue, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự Mỹ - Trung ở Biển Đông có thể vẫn nằm trong tầm kiểm soát do hai bên đều không muốn chiến tranh. Cũng theo ông Yue, Mỹ chỉ điều 1 hoặc 2 tàu chiến tới Biển Đông để tuần tra mỗi lần nhằm tránh việc có quá nhiều tàu chiến cùng xuất hiện ở vùng biển chiến lược trong cùng một lúc.
“Nếu Mỹ điều động số lượng lớn tàu chiến, Trung Quốc cũng sẽ hạ lệnh điều tàu chiến để cân bằng lực lượng, do đó nguy cơ đối đầu sẽ gia tăng. Nhưng Trung Quốc không hề muốn xung đột quân sự ở Biển Đông và việc Mỹ sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc chỉ là lời nói thổi phồng”, ông Yue chia sẻ.
Còn theo nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông vẫn chưa đủ để ngăn chặn hành động của Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ cần sử dụng “những công cụ tổng thể hơn để tạo tính răn đe hơn”.
Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cùng chung quan điểm với ông Koh khi cho rằng, hoạt động tuần tra chỉ tạo ra được tác động có giới hạn đối với những tham vọng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Tuần tra sẽ chỉ tạo ra những tác động nhỏ nếu như Mỹ không có chiến lược kinh tế và phương pháp tiếp cận nhất quán trước sau như một đối với Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Chaturvedy kết luận.
Về phía Việt Nam, ngày 15/02/2019, trả lời câu hỏi phóng viên về việc tàu hải quân Hoa Kỳ vừa qua đã đi qua khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Lập trường của Việt Nam về vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông là rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế và đã được nhấn mạnh nhiều lần.
Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.”
Video: Tàu khu trục USS McCampbell của hải quân Mỹ tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa, thách thức Trung Quốc