"Không có chuyện phải quà cáp cấp trên"
Ông Phạm Quảng Châu: "Truớc đây làm gì có chuyện cấp dưới phải đi biếu xén, quà cáp để lo lót cho cấp trên như bây giờ đâu". Ảnh: Xuân Hải. |
Khuôn mặt nhiều nếp nhăn, trông ông như già hơn nhiều so với cái tuổi 64 của mình. Ông Châu cho biết, gần 10 năm giữ cương vị Chủ nhiệm hậu cần của đơn vị, lo toan lương thảo, quân tư trang cho hàng trăm cán bộ. chiến sỹ nhưng khi về nghỉ hưu ông chỉ có duy nhất chiếc ba lô, bên trong chỉ duy nhất 4 bộ quần áo lính.
Ông Châu kể, nhưng năm 80 đất nước khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều khổ cực, khi lớn lên ông cũng như bao thanh niên khác tham gia vào quân ngũ, rồi được đi học đào tạo tại trường quân đội. Khó khăn là vậy nhưng được cái các anh em trong đơn vị quý mến nhau, coi nhau như anh em trong gia đình. Đặc biệt mỗi khi tết đến, xuân về cả đơn vị lại tíu tít chuẩn bị tăng gia sản xuất, chăn nuôi để thêm gia vị cho bữa ăn ngày tết được đủ đầy, vui vẻ.
“Thời đó, lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ cũng chỉ biết trông vào đồng lương, ngoài ra đơn vị tự phải tăng gia sản xuất, tết đến cả lãnh đạo cũng như chiến sỹ quây quần bên mâm cơm tết tại nhà ăn của đơn vị, thiếu thốn nhưng rất vui”, ông Châu vui vẻ nói.
Ông kể, mỗi khi đến tết, chỉ thương những cán bộ, chiến sỹ cấp dưới có hoàn cảnh gia đình eo le, quá nghèo, đồng lương không đủ để chi tiêu cá nhân thì làm sao có tiền gửi về cho gia đình được. Những lức như vậy, ông Châu lại đưa cho chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn chút tiền dành dụm của mình để gửi về cho gia đình để chia sẻ khó khăn cùng anh em.
“Khi tôi đi bộ đội, rồi làm cán bộ, muốn chi tiêu gì cho bản thân chỉ biết trông vào mấy chục đồng tiền lương, mặc dù gia đình cũng không khá giả gì, bố mẹ thì già yếu, một mình vợ tôi ở nhà vừa đi làm công nhân, lại phải làm ruộng để lo toan cuộc sống gia đình, nuôi bố mẹ già và 2 con nhỏ, tuy vậy nhưng vẫn còn khá hơn các anh em khác trong đơn vị nên tôi cũng yên tâm công tác”, ông Châu thổ lộ.
Những đôi tỳ hưu giá hàng chục triệu đồng được các cửa hàng phong thủy bán cho nhân viên đi "tết sếp". Ảnh: Phạm Thơm |
Vị cựu binh kể, mỗi khi đến tết, khi có anh em đến thăm hỏi chúc tết, chỉ bằng tình cảm chân thành, không có quà cáp hay biếu xén gì cả. Mỗi lúc có anh em cán bộ chiến sỹ đến thăm, ông lại phải lo toan cùng anh em nấu nướng ăn cơm cùng, khi có chính quyền địa phương đến chúc tết đơn vị, mọi người lại vui vẻ bên ấm trà để hàn huyên nói chuyện năm mới.
"Chiều 30 tết năm 1984, vợ tôi đi xe đạp mấy chục cây số, trở con trở cùng gạo nếp, mấy con gà, cân thịt lợn, bánh trưng lên ăn tết cùng chồng và anh em trong đơn vị. Khi vợ ông về, anh em cứ nhắc tết sang năm chị lại lên với anh em đơn vị nhé, vì có vợ sếp đến thăm anh em mới có thịt gà để ăn tết".
“Trước đây, mỗi khi đến tết thì tôi là cán bộ, chỉ huy là người lo lắng nhất, lo toan cho anh em ăn tết thế nào, rồi gom góp những đồng tiền lương còn lại của mình để đưa cho anh em đi mua sắm về ăn tết cùng tại đơn vị, chứ lúc đó làm gì có chuyện cấp dưới phải đi biếu xén, quà cáp để lo lót cho cấp trên như bây giờ đâu”, ông Châu nhấn mạnh.
Đó là lý do mà theo người cựu Chủ nhiệm hậu cần, dù đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay, ông vẫn được anh em trong đơn vị nhớ đến và khi có dịp vẫn qua thăm nhà hàn huyên tâm sự.