Không "bảo vệ" được Israel, Đại sứ Mỹ chưa thể "hạ cánh an toàn"
Dự thảo nghị quyết này cần có sự đồng thuận của 2/3 số đại diện của các nước mới có thể thông qua. Ban đầu bà Haley đã kêu gọi để nghị quyết này chỉ cần đa số ủng hộ để có thể thực thi, song cuối cùng Liên Hợp Quốc vẫn yêu cầu sự ủng hộ của 2/3 đại diện. Kết quả là, 87 nước ủng hộ dự thảo, trong khi có 57 nước phản đối và 33 nước còn lại bỏ phiếu trống.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley sẽ rời vị trí của mình vào cuối năm nay. |
Bà Haley sẽ rời cương vị Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc vào cuối năm nay. Kể từ khi nhậm chức tới nay, bà đã phản kháng mạnh mẽ trước những quốc gia chỉ trích Israel và từng nói rằng “tư tưởng bài Israel” là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào đầu năm nay.
Trong quá khứ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên chưa bao giờ lên án Hamas, thế lực chính trị lớn nhất ở Dải Gaza từ năm 2007 tới nay.
Dự thảo nghị quyết của Mỹ sẽ lên án Hamas có những hành động phóng tên lửa sang lãnh thổ Israel. Lần tấn công gần đây nhất là vào tháng 11, sau khi Israel vi phạm một thỏa thuận ngừng bắn khi đã ám sát một tư lệnh Lữ đoàn al-Qassam thuộc Hamas cũng như nhiều thành viên của lực lượng vũ trang này.
Bà Haley trước đó đã gửi thư tới tất cả các đại sứ Liên Hợp Quốc khác về dự thảo nghị quyết này, trong đó nói rằng “Hoa Kỳ rất coi trọng kết quả của cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến này”.
“Hamas đã dùng hình thức tra tấn và bắt giam để trừng phạt các đối thủ chính trị của mình. Bọn họ đã biến Gaza thành một nhà nước độc tài, và bản thân Hamas đã đầu tư nguồn lực của mình để mua tên lửa và đào hầm để tấn công khủng bố”, bà Haley phát biểu trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. “Câu hỏi được đặt ra đó là liệu có phải Liên Hợp Quốc cho rằng những hành động khủng bố này là chấp nhận được nếu nó tác động đến Israel hay không”.
Dự thảo nghị quyết “lên án Hamas khi đã liên tục phóng tên lửa sang Israel và khiêu khích bạo động”, đồng thời yêu cầu “Hamas và các lực lượng vũ trang khác ngừng toàn bộ những hành động gây hấn và bạo lực, trong đó bao gồm sử dụng các thiết bị gây cháy từ trên không” và “khuyến khích những hành động rõ ràng” nhằm thống nhất “Dải Gaza và khu vực Bờ Tây dưới sự lãnh đạo của chính quyền Palestine”.
Đã có nhiều người tin rằng bà Haley hi vọng việc dự thảo nghị quyết này được thông qua sẽ trở thành điểm sáng của bà khi vẫn còn ở Liên Hợp Quốc. “Bà ấy muốn kết thúc với một điều gì đó quan trọng”, một quan chức ngoại giao giấu tên cho biết. Đã có rất nhiều người tin rằng nghị quyết này sẽ được thông qua.