Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam
Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam
Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012 khai mạc tại Đà Nẵng ngày 8/4 - Ảnh: HC |
Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong quý I/2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 (5,84%) và 2011 (5,57%). Trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào 3 vấn đề: cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; và cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Đối với việc tái cơ cấu đầu tư công, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, kiến nghị cải cách thể chế tài chính công theo hướng minh bạch hóa quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền. Đồng thời, xây dựng tiêu chí nợ công an toàn, tiến tới cân bằng ngân sách và khống chế mức nợ công. Và, tái cơ cấu đầu tư công không thể tách rời với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo hướng sử dụng như công cụ bổ khuyết các “khuyết tật” của thị trường.
Về mục tiêu tái cấu trúc nền tài chính, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng, hướng ngoại. Do đó, cần phải tái cơ cấu vốn đầu tư, tăng tính hiệu quả từ nguồn vốn sẵn có. Trong đó, cần xây dựng và duy trì mô hình phát triển đặt trọng tâm vào tăng lao động có chất lượng, tăng năng suất; sử dụng linh hoạt các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp; xây dựng và vận hành chính sách tiền tệ ổn định, thắt chặt;cơ cấu lại thu chi ngân sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn - Ảnh: HC |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để mô hình phát triển giai đoạn 2012 – 2020 tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội cần xây dựng theo tam giác phát triển “kinh tế – bảo vệ môi trường – đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, cần huy động được tổng lực từ xã hội, tân dụng thời cơ trước tình hình thế giới đang biến động để tăng tốc, đưa kinh tế Việt trở thành một bộ phận, một khâu trong chuỗi giá trị các sản phẩm được bán ra trên thị trường.
Tuy nhiên, ông khuyến cáo, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là bẫy thu nhập trung bình mà là bẫy tăng trưởng – tốc độ tăng đầu tư, GDP cao; chỉ tiêu về xóa đói giảm nghèo được cải thiện nhưng nền kinh tế vĩ mô không ổn định. Do đó, “không phải vấn đề xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế mà là với tốc độ nào thì nền kinh tế ít tác động tiêu cực đến môi trường nhất” và “cần tạo sự đồng thuận trong hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi bộ máy nhà nước từ chính quyền sản xuất sang chính quyền quản lý”.
PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng tình với sự phát triển theo hướng bền vững, nhưng nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng cần dựa vào hiệu quả sử dụng nguồn lực và năng suất lao động, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc với lạm phát thấp, hướng tới phát triển cân đối giữa các địa phương, vùng miền, …
Theo bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc UNDP tại Việt Nam tin tưởng mô hình tăng trưởng xanh, phát triển xanh toàn diện mà Việt Nam đang hướng tới là một mô hình tăng trưởng mới, hiệu quả để các nước đang phát triển có thể áp dụng. Bà cho biết, Liên hiệp quốc tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những biện pháp phù hợp tái cơ cấu nền kinh tế cũng như mô hình phát triển, chú ý đến các vấn đề phúc lợi xã hội cho người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số …
HẢI CHÂU