Khởi đầu căng thẳng Trung-Nhật trên Điếu Ngư/Senkaku
Ngày 10/9, hai tàu Hải giám Trung Quốc đã đến vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Bắc Kinh còn công bố cả kế hoạch giám sát và kiểm soát các hòn đảo này.
Một ngày sau đó (11/9,) chính phủ Nhật Bản phớt lờ những cảnh báo từ phía Bắc Kinh và thông báo sẽ mua ba hòn đảo với giá 2,05 tỷ yên (tương đương 26,18 triệu USD) từ một "chủ sở hữu tư nhân". Ngay lập tức, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết sẽ sử dụng quyền hành động của mình trên quần đảo Điếu Ngư.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm nóng trong quan hệ Trung - Nhật hiện nay. Ảnh: Internet |
Ngay lập tức, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng thỏa thuận mua các hòn đảo trong quần đảo đang tranh chấp của chính phủ Nhật Bản là sự vi phạm nghiêm trọng lãnh thổ Trung Quốc.
Cùng ngày 11/9, ông Shinsuke Sugiyama - Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Nhật Bản cũng đã đến Bắc Kinh để thảo luận khẩn cấp nhằm "tránh hiểu lầm".
Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho biết động thái này chứng minh rằng Tokyo không có sự chân thành nào trong việc cố gắng tìm ra một giải pháp cho vấn đề tranh chấp trên Senkuku/Điếu Ngư.
Một số nhà hoạt động Trung Quốc lên đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vòng vây của lực lượng tuần duyên Nhật. Ảnh: Internet |
Ông Lu Yaodong, trưởng phòng nghiên cứu Ngoại giao Nhật Bản của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho hay, chuyến đi của Sugiyama là một nỗ lực để biện minh cho thỏa thuận mua đảo của Nhật Bản và nó không thể hiện sự chân thành nào của Tokyo.
Thực ra, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đã bắt đầu ‘nóng’ kể từ khi Shintaro Ishihara, thống đốc Tokyo công bố kế hoạch thay mặt cho chính quyền thành phố "mua" lại các hòn đảo trong quần đảo đang tranh chấp từ hồi tháng tư. Và hồi tháng 7, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã công bố kế hoạch "quốc hữu hóa" các hòn đảo này và động thái này ngay lập tức nhận được sự phản đối từ Bắc Kinh.
Ngay sau khi Nhật Bản công bố mua lại các hòn đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Geng Yansheng đã tuyên bố: "chúng ta đang theo dõi chặt chẽ tình hình, và chúng ta có quyền để có biện pháp đối phó".
Ông Geng cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần lãnh thổ của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua và điều này có thể được chứng minh thông qua các bằng chứng pháp lý và thực tế lịch sử. Và rằng việc mua lại các hòn đảo của chính phủ Nhật Bản là hoàn toàn bất hợp pháp và không hợp lệ.
Cơ quan tuần dương Trung Quốc (CMS) sau đó cũng cho biết đã soạn thảo một kế hoạch hành động để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và sẽ có hành động để ứng phó với từng tình huống.
Trong khi đó, Thủ tưởng Nhật Bản Noda nói với quốc hội Nhật Bản rằng Tokyo không thể loại trừ khả năng triển khai Lực lượng tự vệ của Nhật Bản nếu tình hình "vượt ra khỏi tầm kiểm soát".
Biểu tình phản đối Nhật tại Trung Quốc. Ảnh: Internet. |
Hành động quốc hữu hóa các hòn đảo của Nhật Bản ban đầu đã khơi dậy các cuộc biểu tình quy mô nhỏ trước cửa Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh. Nhưng sau đó các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan sang nhiều nơi trên khắp Trung Quốc.
Thậm chí phong trào chống Nhật còn rầm rộ trên cả thế giới mạng của Trung Quốc. Hơn một triệu cư dân mạng đã thề trên Sina Weibo là sẽ tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Ông Ruan Zongze, Phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng: "Điều này có nghĩa là Trung Quốc có lợi thế để có những biện pháp đối phó trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là chống lại các tập đoàn tài chính Nhật Bản hỗ trợ các hoạt động cánh hữu".
Trong thời gian gần đây, doanh số bán xe ô tô Nhật Bản đã giảm ở Trung Quốc một phần do tranh chấp chủ quyền này. Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng những hậu quả này có thể lây lan sang các ngành công nghiệp khác, như điện thoại di động, máy tính cá nhân và thiết bị gia dụng.
Căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á này cũng đã dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới khi nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc đồng loạt rút khỏi hội nghị cấp cao thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) được tổ chức tại Tokyo.
Trung Quốc và Nhật Bản liên tục đưa ra những hành động cảnh báo và đe dọa lẫn nhau về tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư này.
Trong bối cảnh đó, Mỹ luôn bày tỏ những lo ngại về căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản và cho rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước này có vai trò rất quan trọng đối với khu vực và Hoa Kỳ và yêu cầu hai bên cùng kiềm chế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.