Xét nghiệm âm tính đã khỏi bệnh chưa?
Nhiều người chủ quan xét nghiệm âm tính đã nghĩ rằng mình khỏi bệnh và không tiếp tục theo dõi sức khoẻ thêm.
Chị Nguyễn Thị H., Hà Đông, Hà Nội chia sẻ chị mắc Covid-19 từ 6/3, nhưng so với các thành viên trong nhà, chị H. âm tính rất nhanh. Đến 10/3 sau 4 hôm xét nghiệm đã âm tính, 12h sau chị xét nghiệm lại vẫn âm tính. Vì nghĩ mình khỏi bệnh, chị H. đã đi làm trở lại vì công ty thiếu người.
Khi đi làm, chị vẫn thấy mệt mỏi, hụt hơi, ho, đau họng. Chị thấy ho nhiều hơn trong giai đoạn dương tính.
Trưa 13/3, chị H. thấy người mệt nhưng vẫn chủ quan nghĩ chắc do mất ngủ. Khi về nhà, chị lấy máy đo nồng độ oxy máu thì thấy SpO2 của mình giảm còn 93 %. Ngay sau đó, chị liên hệ với trạm y tế để được hỗ trợ.
Trường hợp của ông Nguyễn C. – Tân Mai, Hà Nội sau khi xét nghiệm âm tính nghĩ mình khỏi nên ông C. quên không theo dõi sức khoẻ, đặc biệt là nồng độ oxy máu. Đến đêm, sau khi ăn cơm xong ông thấy người mệt, leo lên tầng bỗng nhiên hụt hơi khó thở nên được người nhà đưa vào bệnh viện theo dõi. Vào viện, bác sĩ đo SpO2 chỉ còn 92 % dù ông đã âm tính từ 2 ngày trước.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết với tất cả các F0 không cần xét nghiệm trong quá trình theo dõi cách ly 7 ngày để xem mình âm tính chưa vì trong 3,4 ngày nếu F0 có âm tính cũng chưa được coi là khỏi bệnh mà vẫn cần phải theo dõi sức khoẻ của mình.
Ảnh minh hoạ. |
Có nhiều bệnh nhân 2,3 ngày âm tính nhưng có bệnh nhân 2 tuần mới âm tính. Người ta lấy trung bình ngày âm tính là 7 ngày. F0 cách ly 7 ngày lúc đó mới xét nghiệm và nếu âm tính hay dương tính vẫn cần theo dõi thêm đến 10 ngày để phòng các trường hợp có phản ứng viêm xảy ra.
Khi âm tính, có người bệnh thì thoái lui các triệu chứng nhưng có người thì lại xảy ra các phản ứng viêm. Các phản ứng này thường xảy ra sau khi có triệu chứng mắc Covid-19 từ 5 tới 8 ngày. Nếu trước 5 ngày bạn đã âm tính thì vẫn phải tự theo dõi sức khoẻ, đo SpO2 thường xuyên.
Cũng theo hướng dẫn của Bộ Y tế với F0 điều trị tại nhà, bệnh nhân Covid-19 thường chia làm các giai đoạn như sau:
Giai đoạn khởi phát trung bình 5-7 ngày. Người bệnh có thể có triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, đau mỏi người,.. hoặc không triệu chứng. Sau giai đoạn này, phần lớn người bệnh chuyển ngay sang giai đoạn 3 là giai đoạn hồi phục. Nhưng có một số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn 2 với những tình trạng nặng hơn.
Giai đoạn toàn phát diễn ra sau 4-5 ngày với những tổn thương ở các cơ quan như hô hấp, tuần hoàn, thận, thần kinh…
Giai đoạn hồi phục giữa các mức độ bệnh cũng khác nhau. Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, người bệnh hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài. Trong khi những trường hợp nặng thì biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.
Còn những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài..
Với các F0 điều trị tại nhà có người không có triệu chứng, Covid-19 như một cơn cảm nhẹ nhưng vạch vẫn đậm, thậm chí "2 vạch" nhiều ngày hơn người có triệu chứng, việc âm tính nhanh hay chậm do cơ địa, không phải cứ âm là khỏi hoàn toàn. Người bệnh chỉ test sau 7 ngày để kết thúc cách ly.
Sau 7 ngày F0 vẫn theo dõi SpO2 và cần mang khẩu trang cẩn thận thêm 7 ngày. Virus cần thời gian để đào thải khỏi cơ thể, mới 3-4 ngày thấy mình 1 vạch trở lại, cho là an toàn rồi là không đúng.
Theo Bộ Y tế đến nay hơn 3,16 triệu người mắc Covid-19 tại Việt Nam khỏi; trung bình số F0 mới tuần qua là 162.819 ca/ngày; Hà Nội trở thành địa phương có số mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 nhiều nhất cả nước.
Khánh Chi
Hết kit test lại đến bổ phổi lên ngôi
Nỗi ám ảnh hậu Covid-19 của người dân khiến họ săn lùng các sản phẩm bổ phổi với hi vọng bảo vệ lá phổi của mình trước virus SARS-CoV-2.