Vì sao vận động viên có thể đổ gục trên sân thi đấu?
Hiện tượng vận động viên đổ gục trên sân thi đấu thể thao chuyên nghiệp rất hiếm khi xảy ra nhưng có trường hợp vận động viên điền kinh đã tử vong khi đang chạy
Khi nhận thấy Eriksen có dấu hiệu bị căng cứng cơ thể, đội ngũ y tế nhanh chóng có mặt để tiến hành cấp cứu. Ngôi sao thuộc biên chế Inter tỉnh lại trên đường rời sân Parken. Anh được đưa vào bệnh viện trong tình trạng ổn định, nhưng vẫn cần theo dõi thêm.
GS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng viện tim mạch Việt Nam cho rằng hiện tượng đổ gục trên sân thi đấu thể thao chuyên nghiệp rất hiếm khi xảy ra nhưng có trường hợp vận động viên điền kinh đã tử vong khi đang chạy trên sân thi đấu.
Sau đó người ta khám nghiệm mổ tử thi phát hiện nguyên nhân đó là vận động viên bị phì đại cơ tim mà không biết khi tập gắng sức dẫn tới ngừng tim đột ngột và tử vong.
Cầu thủ Eriksen được đưa đi cấp cứu ngay sau khi anh đổ gục trên sân thi đấu. |
Với trường hợp cầu thủ đổ gục trên sân đấu, GS Khải cũng cho rằng khả năng cao là cầu thủ bị bệnh tim mạch nào trước đó chưa phát hiện ra. Bệnh cơ tim phì đại khiến thành cơ tim dày lên và máu khó bơm vào tim hơn.
Nếu do cơn đau tim đột ngột do các bệnh tim mạch tiềm ẩn, tắc mạch máu dẫn tới máu không vào tim, làm chết cơ tim cũng có thể khiến tim ngừng đập. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thì có dấu hiệu nhận biết đó là mệt mỏi khi gắng sức, thở dốc…
GS Khải cho biết đối với bệnh cơ tim phì đại có thể biểu hiện từ không triệu chứng cho đến các biến chứng nặng nhất như suy tim và đột tử. Bệnh cơ tim phì đại là nguyên nhân thường gặp nhất của đột tử do tim ở bệnh nhân dưới 35 tuổi và vận động viên. Sinh lý bệnh rất phức tạp nên phản ánh triệu chứng lâm sàng đa dạng. Các triệu chứng bao gồm: đau ngực, triệu chứng liên quan đến phù phổi, khó thở, mệt, khó thở kịch phát về đêm, ngất, tiền ngất và hồi hộp.
Đối với người bị phì đại cơ tim, GS Khải cho biết nhiều lựa chọn điều trị cho bệnh cơ tim phì đại, từ thay đổi lối sống như tránh những môn thể thao có tính cạnh tranh, sử dụng thuốc ức chế canxi, ức chế beta, lợi tiểu, đến đốt nhánh vách bằng cồn hoặc mổ cắt một phần vách liên thất ở những bệnh nhân có bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn không đáp ứng điều trị nội khoa. Tiến bộ quan trọng trong điều trị lâm sàng bệnh cơ tim phì đại là sử dụng ICD dự phòng đột tử.
GS Khải khuyến cáo khi bất cứ ai tham gia các môn thể thao hoạt động nặng, các vận động viên cả chuyên nghiệp và phong trào đều phải hết sức cẩn trọng, trước khi tham gia bất cứ cuộc thi nào, các vận động viên phải qua một quá trình tập luyện bài bản, lâu dài, có giáo án, có huấn luyện viên, người hướng dẫn, hiểu biết kiến thức về dinh dưỡng, y học trong thể thao.
GS Khải cho rằng trong cộng đồng tỷ lệ người mắc các bệnh tim mạch không có dấu hiệu rất lớn. Vì vậy bất cứ ai nếu muốn tham gia các môn vận động thể thao nhất là các môn có tính đối kháng cần thăm khám sức khoẻ thật kỹ. Cơ tim phì đại hoàn toàn có thể sàng lọc được qua siêu âm tim. Nếu bị bệnh này hoặc có hẹp mạch các bác sĩ sẽ tư vấn để bạn chọn 1 hình thức thể dục phù hợp tránh gắng sức, nguy cơ đột tử.
Cách nhận biết, sơ cứu ngừng tim
Theo GS Khải khi bị ngừng tim người bệnh đột ngột đổ gục. Có thể thấy bệnh nhân không thở hoặc thở không bình thường. Có thể đánh giá ngừng tuần hoàn không quá 10 giây.
Nhanh chóng sơ cứu cho bênh nhân với các công thức C- A-B.
C: Ép tim càng sớm càng tốt trong vòng 10 giây từ lúc ngừng tim, trong 2 phút không ngừng, ép đúng, tránh ngắt quãng.
Để tư thế bệnh nhân nằm trên nền cứng. Vị trí ép tim giữa lồng ngực làm sao cánh tay, cẳng tay thẳng trục để truyền lực ép từ vai của mình xuống lồng ngực bệnh nhân.
A: Khai thông đường thở sau ép tim, ngửa đầu bệnh nhân tối đa, ấn cằm để mở miệng tối đa. Móc sạch các dị vật (thức ăn, răng giả, đờm dãi,...)
B: Thổi ngạt 2 lần(1 lần/1 giây), tránh quá căng. Tiếp tục ép tim ngoài lồng ngực/thổi ngạt với tần suất 30/2 ở người lớn (1-2 người cấp cứu), thổi ngạt mỗi 5 – 6 s /lần (nếu có nội khí quản thì bóp bóng mỗi 6 – 8s/lần).
Sau khi sơ cứu nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.
Khánh Chi