Hà Nội khó giảm số ca mắc Covid-19 mới, chuyên gia kiến nghị cách xử lý với F0
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, Hà Nội rất khó, nếu không muốn nói là không thể giảm số ca mắc Covid-19, do đó không nên quá chú ý đến số ca mắc mới …
Theo thống kê của Cục Quản lý, Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Hà Nội hiện có 22.133 ca mắc Covid-19 đang được điều trị tại nhà, 4.430 đang điều trị tại Bệnh viện, 2.409 ca nhẹ và không triệu chứng, 1.658 ca trung bình (chiếm 5,3%), 363 ca nặng nguy kịch (15,1%), 298 ca phải thở mask, gọng kính (chiếm 13,6%), 30 ca HFNC (76,5%), 12 ca thở máy không xâm lấn (12%), 23 ca thở máy xâm lấn (5,3%).
Báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay (11/10 - 18h00 ngày 3/01/2022), thành phố ghi nhận 50.799 ca mắc (trung bình 590 ca/ngày), trong đó 17.412 ca ngoài cộng đồng (34,27%), 28.162 ca tại khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú (55,43%).
Chỉ tính riêng từ ngày 15/12/2021 đến nay, Hà Nội đều ghi nhận trung bình từ 1.000 - 2.000 ca bệnh mỗi ngày. Trong 3 ngày gần đây (2/1 - 4/1/2022), thành phố vượt mốc 2.000 ca mắc Covid-19/ngày.
Hiện thành phố có 246 ca F0 phải chuyển tầng điều trị. Đáng lưu ý từ 27/4 đến nay đã ghi nhận 184 trường hợp tử vong do Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, hiện Hà Nội rất khó, nếu không muốn nói là không thể giảm số ca mắc Covid-19. Bằng chứng là hiện nay Hà Nội đã không còn kiểm đếm được số ổ dịch mà chủ yếu nêu theo địa bàn phường, xã…
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin, chủ yếu các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, do đó không nên quá chú ý đến số ca mắc mới mà cần tập trung vào số ca nặng, phải điều trị tích cực để giảm tử vong. Đặc biệt, nên chú ý tới các trường hợp người già, người có bệnh nền, trẻ em.
Không nên coi F0 là bệnh nhân |
“Tất nhiên, khi lượng bệnh nhân càng tăng cao thì tỷ lệ các trường hợp nặng cũng tăng lên. Không nên coi F0 là bệnh nhân nữa. Số lượng người mắc Covid-19 hiện rất nhiều, chủ yếu là thể nhẹ và không có triệu chứng. Họ như người bình thường", ông Nga nêu quan điểm.
Từ thực tế đó, theo ông Nga, hệ thống y tế nên tập trung vào những người có triệu chứng, bị nặng để điều trị tích cực, giảm tử vong. Khi Hà Nội quá tải, các bệnh viện tuyến T.Ư, bệnh viện dã chiến cần hỗ trợ, vào cuộc.
Cảnh báo việc giảm số ca mắc là rất khó, PGS. TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh người dân nên tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nhấn mạnh về chiến lược phòng chống dịch trong thời gian tới trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý trong phân loại người bệnh Covid-19. Theo đó, cần tập trung vào nhóm nguy cơ cao- những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời, phù hợp...
Vì thế việc giám sát vùng nguy cơ cao để đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc là rất cần thiết, từ đó cách ly, điều trị và có giải pháp xử trí phù hợp, góp phần hạn chế trường hợp tử vong.
"Để làm được việc trên phải kiểm soát ca mắc, tăng cường năng lực điều trị, sử dụng thuốc sớm, trong đó có nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đa dòng, kèm theo đó là đảm bảo oxy cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của hệ thống khám chữa bệnh"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Để công tác điều trị người bệnh Covid-19 tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, toàn hệ thống điều trị rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị" theo Quyết định đã ban hành ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị.
"Trạm y tế cần lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân loại theo các nhóm nguy cơ để quản lý. Các cơ sở thu dung, điều trị cần phân loại nguy cơ người bệnh Covid-19 ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho việc theo dõi chăm sóc, điều trị và xử trí", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cũng đặc biệt lưu ý các cơ sở điều trị cũng như hệ thống theo dõi sức khoẻ người bệnh ban đầu cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tuyến điều trị, tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi đã quá muộn.
Trong phân loại người bệnh cần tập trung vào nhóm người nguy cơ cao - những người trên 50 tuổi, có bệnh nền, đặc biệt người chưa tiêm, chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 để giám sát chặt chẽ, điều trị kịp thời, phù hợp.
N. Huyền
Bác sĩ lên tiếng về việc nhỏ tinh dầu tỏi, dầu mè trị Covid-19 nhanh lấy lại khứu giác
Nhiều người bị Covid-19 mất khứu giác, khó thở họ sử dụng tinh dầu tỏi để thay đổi nồng độ pH trong mũi họng, diệt virus nhanh hơn.
Mạo danh 'giám đốc chuyên môn Bệnh viện Lão khoa' nhằm lừa đảo bệnh nhân F0
Lợi dụng sự lo lắng của nhiều gia đình, trong đó có F0 người cao tuổi, đã có rất nhiều inbox kiểu bác sĩ, dược sĩ hướng dẫn “giúp” điều trị hoặc “mách thuốc” thậm chí bán máy...
Tại sao sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 lại nổi hạch, có nguy hiểm không?
Nhiều người sau tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 có hiện tượng nổi hạch nách hoặc nổi khắp người. Có trường hợp còn tưởng mình bị ung thư. Tại sao như vậy và nổi hạch sau tiêm có đáng ngại không?