Hà Nội, số ca mắc tăng cao là điều đã được lường trước, có thể dừng một số dịch vụ không thiết yếu
Diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương 'thích ứng an toàn, linh hoạt.
Đây là ý kiến của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá về tình hình dịch tại Hà Nội những ngày qua khi số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao.
83,8% bệnh nhân F0 không triệu chứng
Thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khoảng 80% bệnh nhân Covid-19 hiện nay tại Hà Nội không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Số liệu cập nhật đến ngày 4/12, trong đó 4.651 F0 đang điều trị ở bệnh viện; 3.902 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ (chiếm 83,8%).
Bệnh nhân mức độ trung bình là 699 người; 50 ca nặng và nguy kịch; 46 người thở oxy mask, gọng kính; hai người thở máy không xâm lấn; một người thở máy xâm lấn và một người lọc máu.
Hà Nội hiện không có bệnh nhân nào phải thở HFNC (thở oxy dòng cao ) hay EMCO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Mặc dù số ca mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ tại Hà Nội tương đương với tỷ lệ chung của cả nước tuy nhiên, số ca Covid-19 trên địa bàn liên tục tăng cao những ngày gần đây.
Từ ngày 30/11 đến nay, mỗi ngày số ca đều vượt 400. Riêng ngày 4/12, thành phố ghi nhận 628 ca, cao nhất trong đợt dịch thứ 4. Tổng cộng từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 13.172 ca nhiễm, trong đó số ca cộng đồng l 5.212, 7.960 ca trong khu cách ly.
Ảnh minh hoạ |
"Diễn biến số ca bệnh tăng cao là điều thành phố đã lường trước trong bối cảnh mở cửa, thực hiện chủ trương 'thích ứng an toàn, linh hoạt'", Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, cho biết.
Để thích ứng an toàn, linh hoạt Hà Nội đã phân các tầng điều trị F0 với tầng một là tuyến y tế cơ sở và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương. Thành phố xây dựng kịch bản ứng phó 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm cùng số giường ở từng tầng điều trị để đáp ứng thu dung, điều trị người bệnh đồng thời hướng dẫn cho F0 cách ly tại nhà và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.
Trong tình huống dịch diễn biến phức tạp, thành phố lên phương án huy động hệ thống y tế tư nhân, bác sĩ nghỉ hưu, học sinh sinh viên ngành y và cả nhân lực các bệnh viện Trung ương tham gia chống dịch.
Có thể hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu
Song song với việc chuẩn bị sẵn kịch bản chăm sóc, điều trị F0 Hà Nội cũng vừa ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo đó, Thành phố yêu cầu các quận huyện thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà để hỗ trợ cho các Trạm Y tế lưu động gồm các lực lượng tình nguyện của phụ nữ, Đoàn Thanh niên, sinh viên, giáo viên... (tuổi dưới 50, đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19) thực hiện nhiệm vụ: Tiếp nhận thông tin từ người nhiễm Covid-19 tại nhà theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin nhận được từ người cách ly tại nhà, thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế lưu động và các nhiệm vụ khác được giao; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn cho “Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà” để theo dõi sức khỏe cho người nhiễm Covid-19 tại nhà; Sở Y tế phân công các bệnh viện trên địa bàn chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các Trạm Y tế lưu động.
UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc cách ly tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1) theo hướng dẫn của thành phố và theo Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7 của Bộ Y tế về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19.
Các địa phương cũng căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP để đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ, bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn tùy theo cấp độ dịch (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...); báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố theo quy định.
Các quận, huyện, thị xã cũng huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chủ động thực hiện việc điều phối, vận chuyển người bệnh Covid-19 nhẹ và không triệu chứng (tầng 1), vận chuyển mẫu bệnh phẩm, người tiếp xúc gần (F1)... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần vận chuyển theo chỉ đạo tại Công điện số 26/CĐ-UBND ngày 2/12 của UBND hành phố.
N. Huyền