Hàng không đón khách trở lại, đi máy bay có cần mặc quần áo phòng hộ ngừa Covid-19?
Việc mặc bảo hộ kín mít từ đầu đến chân khi đi máy bay, theo PGS. TS Trần Đắc Phu, là không cần thiết, điều quan trọng nhất là khẩu trang và khử khuẩn.
Nhiều hành khách mặc cả bộ đồ bảo hộ phòng Covid-19 khi đi máy bay là không cần thiết |
Hiện Hà Nội và một số địa phương đã bắt đầu mở lại các chuyến bay, PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng hành khách không cần thiết phải mặc quần áo phòng hộ khi đi máy bay.
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng các quy định phòng dịch khi đi máy bay đã có quy định cụ thể.
Theo đó, hành khách cần chấp hành các quy định này, đặc biệt phải thực hiện tốt 5K (khẩu trang, khoảng cách, khai báo y tế, khử khuẩn, không tập trung đông người…), trong đó khai báo y tế rất quan trọng.
“Điều này đề phòng tình huống nhỡ chẳng may trên máy bay có ca F0 thì có thể truy vết ngay, từ đó có biện pháp cách ly, quản lý các ca bệnh liên quan ngay được”, ông Phu nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, môi trường trên máy bay là không gian kín, nếu ngồi gần nhau, không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, giãn cách thì nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế, nước ta cũng đã ghi nhận các trường hợp là tiếp viên hàng không mắc Covid-19.
Có rất nhiều tình huống có thể xảy ra trên máy bay. Về nguyên tắc, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang nhưng nếu sơ xuất kéo xuống nếu ngồi gần ca bệnh (F0) họ ho, nói chuyện, hắt hơi có thể làm phát tán mầm bệnh.
Ngoài ra, mầm bệnh có thể có ở trên bề mặt như tay vịn ghế, nắm cửa nhà vệ sinh…, nếu một người chạm tay vào sau đó đưa lên, mắt, mũi, miệng thì có thể lây nhiễm vi rút.
Cũng vì thế, rủi ro lây nhiễm trên máy bay không chỉ nằm trong giới hạn đó, bởi các hành khách không chỉ ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay. Họ còn có thể di chuyển, đi vào nhà vệ sinh, lấy hành lý ở khoang phía trên đầu…
Chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống dịch Covid-19, ngoài các biện pháp do chính hãng hàng không áp dụng về vệ sinh, khử khuẩn…, thì bản thân mỗi hành khách cũng cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, quan trọng nhất ở đây là khẩu trang và khử khuẩn.
Qua quan sát thực tế nhiều hành khách di chuyển trên các chuyến bay do lo sợ lây nhiễm đã trang bị phòng hộ kín mít từ đầu đến chân, mặc nguyên cả bộ quần áo phòng hộ, đeo găng tay.
Theo ông Phu điều này “là không cần thiết”. Điều quan trọng nhất là đeo khẩu trang và sát khuẩn.
Cụ thể, hành khách cần lưu ý đeo khẩu trang đúng quy chuẩn, khi xuống sân bay thay ngay khẩu trang, sát khuẩn tay ngay. Sau đó khi về đến nhà hay nơi lưu trú cách ly cần tắm rửa, thay quần áo ngay rồi mới tiếp xúc với người thân trong gia đình.
“Tuyệt đối không nên ôm ấp con cái ngay, không nên tay bắt mặt mừng ngay”, ông Phu nhấn mạnh.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất, từ ngày 10/10 – 20/10, tổ chức khai thác đường bay giữa Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến một ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.
Theo đó, Thành phố quy định với hành khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài và lưu trú tại thành phố Hà Nội phải đáp ứng các tiêu chí: có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát (trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng đi cùng người thân thì theo hướng dẫn của Bộ).
Phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành; tuân thủ “thông điệp 5K"; khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định tạm thời của Bộ; cam kết và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch của Thành phố và các địa phương liên quan; cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do thành phố công bố; hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định; sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Ám ảnh những tháng ngày ở BV Dã chiến: Cuối cùng phòng 'tử thần' cũng đóng cửa
Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của các y bác sĩ mà cũng là niềm vui của các tình nguyện viên khi thấy các phòng hồi sức cấp cứu - phòng “tử thần” dần dần đóng cửa, không còn bệnh nhân nặng.
Nhiều cặp vợ chồng 'cầu cứu' bác sĩ vì cảm giác dễ đổ vỡ trong đại dịch
Theo các bác sĩ, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến người dân rơi vào căng thẳng và có rất nhiều cặp vợ chồng phải cầu cứu bác sĩ vì họ có cảm giác đổ vỡ hôn nhân trong đại dịch.
N.Huyền