Có 7 dấu hiệu sau nên đi xét nghiệm Covid-19
Khuyến cáo người dân cần nhớ 7 triệu chứng của Covid-19 như ho, sốt, đau họng, đau cơ, nhức đầu, mất mùi vị, sổ mũi cần báo với cơ sở y tế để được xét nghiệm.
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, rất nhiều địa phương đã ghi nhận hàng loạt ca nhiễm, ổ dịch mới ngoài cộng đồng và phải tạm thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn theo Nghị định 128.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược TP HCM, muốn sống chung an toàn và bền vững với Covid-19 thì phải có được miễn dịch cộng đồng. Hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vắc xin còn thấp. Khi người dân từ các vùng dịch về các địa phương có độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 thấp là tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch.
Nếu không được kiểm soát tốt có thể tình hình dịch bệnh quay lại. Nguyên nhân, có thể do độ miễn dịch của một số người giảm hoặc do chủ quan khi thực hiện 5K. Kinh nghiệm cho thấy cứ sau một trận dịch lớn, nếu không được kiểm soát tốt, dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại.
PGS Dũng cho rằng cần tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như 5K của Bộ Y tế, giữ không gian sống thoáng khí. Mặc dù việc đi lại không còn hạn chế như trước nhưng thực sự cần thiết mới đi lại.
Covid-19 thường lây lan mạnh trong vùng không gian kín, chật hẹp, nên hạn chế đến những nơi đông người như chợ, quán ăn nhỏ mở điều hòa...
Nếu ở vùng dịch mới bùng phát: Có 7 dấu hiệu bạn nên đi xét nghiệm Covid-19 |
PGS Dũng khuyến cáo người dân cần nhớ 7 triệu chứng của Covid-19 như ho, sốt, đau họng, đau cơ, nhức đầu, mất mùi vị, sổ mũi cần báo với cơ sở y tế để được xét nghiệm.
Nếu là người từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người về từ vùng dịch khác, cần khai báo ngay với y tế địa phương, cơ quan chức năng để có biện pháp xử trí, tránh dịch lây lan cho cộng đồng.
Ngoài ra, để phòng chống dịch cần ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin A, C, E, D; uống đầy đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, để cơ thể giữ ẩm, giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc, cũng như bài tiết dịch mũi và các tác nhân gây bệnh thông thường.
Người dân dù ở nông thôn hay thành thị đều phải tuân thủ 5K và cố gắng giữ khoảng cách an toàn. Với những người đã tiêm chủng đầy đủ vẫn cần phòng bệnh vì vẫn có thể lây nhiễm, là nguồn lây cho người khác.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, cố gắng đạt 2 mũi tiêm vắc xin cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi để bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, số ca mắc ở một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng.
Bộ Y tế công bố đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó 26 tỉnh xanh, 37 tỉnh vàng, không có tỉnh cam và đỏ. Theo tổng hợp của Bộ Y tế cập nhật đến 17h ngày 21/10, cả nước có 26 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (màu xanh, bình thường mới) gồm Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
Khánh Chi