Nâng mũi không phẫu thuật, người phụ nữ ngậm quả đắng
Nghe bạn bè rủ chỉ bằng vài mũi tiêm filler là đã có sống mũi cao, thẳng thon gọn như ý mà không cần đụng đến dao kéo, người phụ nữ đã quyết “chơi lớn”… Hệ quả là, mũi cao đâu không thấy, chị phải vào viện cấp cứu gấp.
Nghe xúi dại “nâng mũi mà không phẫu thuật”, người phụ nữ ngậm quả đắng |
Ham rẻ, người phụ nữ suýt mất mũi
Chia sẻ với phóng viên, Ths. BS Lê Thị Mai – Khoa nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc cảnh báo, bệnh viện Da liễu Trung ương từng tiếp nhận khá nhiều ca biến chứng do tiêm filler như hoại tử vùng tiêm, mù mắt, biến dạng mặt, môi….
Gần đây, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc tiếp nhận một bệnh nhân sau tiêm filler mũi ở cơ sở spa. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng mũi sưng nề, nhiều mủ, chảy dịch và biến dạng mũi.
“Bệnh nhân đau nhức nhiều. Theo lời kể kết hợp khám lâm sàng, chúng tôi nhận định bệnh nhân có thể được tiêm chất làm đầy rởm, tiêm không đúng lớp tại cơ sở mà vấn đề vô trùng không được đảm bảo. Điều này gây hệ luỵ nghiêm trọng đến bệnh nhân”, BS Lê Thị Mai bày tỏ.
Sau 4 tuần điều trị tích cực bằng các thuốc tại chỗ và toàn thân, may mắn bệnh nhân vẫn giữ được cấu trúc mũi ban đầu. Tuy nhiên, Ths. BS Lê Thị Mai cho biết điều này “ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý người bệnh”.
Với kinh nghiệm nhiều năm “sửa chữa” hậu quả cho những chị em đi làm đẹp tại các spa, Ths. BS Lê Thị Mai cho biết, thông thường tại các cơ sở làm đẹp không được cấp phép, bệnh nhân được tiêm chất làm đầy với giá rất rẻ và do các bạn không có chuyên môn về y học thực hiện.
Do đó, các biến chứng xảy ra thường trầm trọng do tiêm sai vị trí giải phẫu, sai kỹ thuật cộng thêm chất làm đầy không đảm bảo chất lượng.
Những trường hợp như vậy, việc điều trị khá phức tạp. Theo đó, việc đầu tiên các bác sĩ phải tiến hành là loại bỏ ổ viêm và loại bỏ chất làm đầy đã được tiêm càng nhiều càng tốt. Tại chỗ sẽ được tiêm thuốc chống viêm pha theo tỷ lệ nhất định, toàn thân dùng kháng sinh phối hợp, cocticoide...
“Nếu bệnh nhân đến viện sớm thì việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn rất nhiều, nhiều trường hợp giữ nguyên được cấu trúc giải phẫu. Tuy nhiên những trường hợp đến muộn, hoại tử rộng, vùng tiêm bị biến dạng vĩnh viễn trong khi đó chi phí cho việc khắc phục hậu quả sẽ cao hơn rất nhiều so với việc đến ngay cơ sở y tế đảm bảo về kỹ thuật cũng như chuyên môn ngay từ đầu, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, đảm bảo về thẩm mỹ”, Ths. Bs Lê Thị Mai bày tỏ.
Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Theo Ths. BS Lê Thị Mai, tiêm chất đệm/làm đầy filler có nguồn gốc từ axit hyaluronic vào mô mềm trong các dịch vụ làm đẹp được sử dụng rộng rãi trên thế giới và ít khi gặp phải tác dụng phụ không mong muốn bởi chất axit hyaluronic được thấy là chất dung nạp tốt đối với cơ thể.
Tuy nhiên y văn cũng đã mô tả những biến chứng do tiêm filler có thể xảy ra trong giai đoạn sớm ( trước 14 ngày sau tiêm) hoặc muộn ( sau 14 ngày sau tiêm). Các tác dụng phụ phổ biến xuất hiện sớm sau tiêm bao gồm sưng, đỏ, bầm tím và đau tại chỗ tiêm thường tự qua đi hoặc điều trị bằng giảm đau, chống viêm thông thường không để lại di chứng”, BS Lê Thị Mai phân tích.
Môi một thiếu nữ bị hoại tử vì tiêm fller |
Trong đó những trường hợp “mất môi”, “thủng má” thậm chí mù mắt… là những trường hợp biến chứng rất nặng của tiêm filler. Những trường hợp trên có thể xảy trong trường hợp do áp xe nhiễm trùng hoặc/và hoại tử tắc mạch ở khu vực tiêm do kỹ thuật tiêm không đúng hoặc chọn chất làm đầy không phù hợp với vùng giải phẫu hoặc chất làm đầy rởm. Các biến chứng này nếu được xử lý bài bản tại cơ sở chuyên môn thì sẽ hạn chế hoặc không để lại di chứng, nhưng nếu để lâu hoặc can thiệp không đúng cách thì sẽ dẫn đến những di chứng rất khó khắc phục.
Đặc biệt, Ths. Bs Lê Thị Mai cũng nhấn mạnh, dù tiêm chất làm đầy ở môi hay bất cứ vị trí nào thì cũng đều có thể có biến chứng và có thể xảy ra sớm ngay sau khi tiêm hoặc muộn (vài tuần đến cả năm sau) nếu việc tiêm này không được thực hiện đúng chuyên môn.
Làm đẹp là một nhu cầu chính đáng của chị em, chị em tiêm filler cần xác định nguồn gốc chính thống và sản phẩm được FDA hoặc cơ quan quản lý dược phẩm có thẩm quyền phê chuẩn.
“Mất lòng trước nhưng được lòng sau. Hãy tìm hiểu kỹ cơ sở làm đẹp, trình độ của người tiêm trước khi sử dụng dịch vụ tại đó. Không nên sử dụng dịch vụ của các cơ sở làm đẹp không được cấp phép cũng như tự tiêm các chất filler trôi nổi trên thị trường, mạng xã hội, người tiêm không được đào tạo về y khoa và chất làm đầy”, Ths. BS Lê Thị Mai nói và khuyến cáo, khách hàng cần lựa chọn cơ sở y tế có chuyên môn tốt về lĩnh vực này để phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
N. Huyền