Muộn chồng, nữ nhân viên ngân hàng chi gần 300 triệu vào khoa sản gửi trứng
Làm quản trị rủi ro tại một ngân hàng nên Hà luôn nghĩ cách phòng rủi ro cho mình. Khi qua tuổi 30 mà chưa có người yêu, Hà đã quyết định dùng số tiền tiết kiệm của mình để gửi trứng tại bệnh viện.
Lưu trữ trứng để quản trị rủi ro cuộc đời
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phúc Hoàn – Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện nay nhu cầu gửi trứng đã tăng hơn nhưng gửi trứng ở phụ nữ không đơn giản như gửi tinh trùng ở nam giới nên không phải ai cũng biết hoặc mặn mà với gửi trứng.
Chị Thu Hà – 33 tuổi, sống tại Hà Nội, là nhân viên một ngân hàng lớn, 3 năm trước, vì chưa tìm được người tâm đầu ý hợp để tiến tới hôn nhân, Hà đã lên kế hoạch gửi trứng. Để đảm bảo chắc chắn, Hà sẵn sàng chi một số tiền lớn để gửi trứng lưu trữ cho sau này.
Hà tâm sự với bác sĩ, cô làm trong lĩnh vực quản lý rủi ro nên nhìn đâu cũng thấy rủi ro và cô phải tìm cách quản lý được rủi ro cho chính mình từ mua bảo hiểm và điều bứt phá là cô tự đi gửi trứng của mình.
Tuy nhiên, trứng của Hà không được tốt lắm. Chính vì vậy, Hà được các bác sĩ tiến hành kích trứng 5 lần để có lấy được trứng chất lượng. Chi phí mỗi lần kích trứng, chọc và gửi trứng tốn từ 50 – 60 triệu đồng. Chi phí khá lớn nhưng Hà vui vẻ vì cô đã dự trữ được khả năng sinh sản cho mình.
Khác với trường hợp của Hà, trường hợp của Nguyễn Thị Nhung – 23 tuổi, Bắc Ninh, cô cũng đi gửi trứng do phát hiện mình bị ung thư hạch. Trước khi bước vào quá trình điều trị, bác sĩ đã khuyên Nhung có thể đi gửi trứng. Vì muốn sau điều trị vẫn có thể có con nên Nhạn đã đi gửi trứng.
Trường hợp của Vũ Thị Mỹ Huyền – 25 tuổi, TP.HCM bị ung thư cổ tử cung khi mới kết hôn nên cô vô cùng lo lắng. Bác sĩ cho biết bệnh của Huyền bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ thân tử cung mà không thể thực hiện phẫu thuật bảo tồn tử cung như những phụ nữ khác.
Nữ nhân viên quản lý rủi ro ngân hàng chi gần 300 triệu đồng gửi trứng |
Để điều trị ung thư triệt để, cô và chồng mới cưới chấp nhận cách gửi trứng và sau này sẽ có thể nhờ người mang thai hộ để có con. Huyền đã chọc và gửi được 5 quả trứng để dành cho tương lai.
Dự trữ cho tương lai
Theo bác sĩ Hoàn nhu cầu gửi trứng hiện nay tăng cao hơn. Trước kia người ta chỉ nghĩ đến gửi tinh trùng thì giờ đây phụ nữ cũng có cách dự trữ khả năng sinh sản.
Bác sĩ Hoàn cho biết những người nên gửi trứng đó là phụ nữ bước vào tuổi 30 và chưa có đối tượng, kế hoạch kết hôn trong 3 năm tới thì nên gửi trứng. Nhất là các bạn nữ làm trong môi trường áp lực công việc như ngân hàng, công nghệ thông tin…
Ngoài ra, bác sĩ Hoàn cũng cho biết việc gửi trứng không nên nghĩ chỉ ai mắc bệnh mới cần gửi mà người khỏe mạnh hoàn toàn gửi được. Thực tế, bác sĩ cũng gặp khá nhiều phụ nữ kết hôn muộn sau tuổi 30 và khi đến khám vì chậm có con lúc này đã phát hiện ra suy buồng trứng (tình trạng mãn kinh sớm).
Ngân hàng bảo quản trứng |
Phụ nữ càng lớn tuổi thì số trứng trên 2 buồng trứng càng giảm dần và chất lượng trứng cũng giảm, tỉ lệ trứng bất thường tăng.
Đặc điểm trên làm cho phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng có thai càng giảm và tỉ lệ sẩy thai càng tăng, tỉ lệ biến chứng, bất thường của thai cũng tăng theo (sau 35 tuổi).
Trong xã hội hiện nay, phụ nữ có khuynh hướng trì hoãn việc có con. Chị em dành thời gian tuổi trẻ dưới 30 cho học hành và sự nghiệp. Đến khi lập gia đình thì nhiều phụ nữ đã có vị trí thành đạt lại khó có con.
Tuổi có thai tốt nhất ở phụ nữ là dưới 30 tuổi. Nếu trễ hơn, hãy cố gắng có con trước 35 tuổi. Sau 35 tuổi, nếu sau 6 tháng cố gắng mà chưa có thai, nên khám và điều trị tích cực, không nên chờ đợi. Muốn có con sau 40 tuổi là rất khó, mặc dù đa số phụ nữ chu kỳ kinh vẫn còn đều đặn. Khả năng có con của phụ nữ thường chấm dứt khoảng 5-7 năm trước khi mãn kinh.
Nhiều người cho rằng nếu kinh còn đều và đi siêu âm thấy nang noãn là vẫn còn có khả năng có con tốt dù đã trên 35-40 tuổi. Đây là quan niệm sai lầm, khiến nhiều phụ nữ bỏ qua thời điểm can thiệp sớm để có thai.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Khánh Chi