Bệnh viện Thu Cúc lên tiếng về xét nghiệm 3 lần đều ra chỉ số chỉ điểm ung thư
Kết quả xét nghiệm tại BV Thu Cúc |
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 9/3, chị L.A có đến Bệnh viện Thu Cúc khám tổng thể. Sau khi khám tổng thể, chị L.A tiếp tục làm xét nghiệm tầm soát ung thư tại Trung tâm Ung bướu Singapore của Bệnh viện Thu Cúc và bất ngờ nhận được kết quả các chỉ số thể hiện chị L.A bị ung thư.
Mặc dù các chuyên gia Singapore của bệnh viện trên làm lại kết quả xét nghiệm thêm 2 lần nhưng vẫn ra các chỉ số thể hiện chị L.A mắc bệnh ung thư.
Hoang mang vì kết quả này nên chị L.A đã đi kiểm tra lại ở hai bệnh viện khác thì kết quả hoàn toàn bình thường.
Thông tin này đã khiến nhiều người lo lắng, không biết kết quả xét nghiệm như thế nào mới là chuẩn.
Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Đình Chân – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K Trung ương - cho biết, các chỉ số xét nghiệm đối với bệnh ung thư chỉ là chỉ điểm chứ không thể dựa vào đó có thể kết luận bệnh ung thư được. Để kết luận chính xác ung thư phải dựa vào kết quả giải phẫu bệnh học, tiêu chuẩn vàng của chẩn đoán ung thư.
TS Chân thông tin, hiện nay một số bệnh ung thư có các mắc cơ thông báo như ung thư gan, ung thư tuyến tuỵ, mật nhưng kết quả này cũng chỉ ở mức theo dõi chứ không thể dựa vào kết quả này mà chẩn đoán là ung thư được.
Kết quả xét nghiệm tại Viện Huyết học và truyền máu trung ương |
Với ung thư gan, chỉ số AFP được coi là chỉ điểm với bệnh nhân ung thư gan, chỉ số này khá đúng. Còn với ung thư tuỵ mật, TS Chân cho biết, chỉ dựa vào mà chẩn đoán là chưa được.
Cùng quan điểm, bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K trung ương - cho hay, tầm soát theo chỉ số CA – một mắc cơ nhưng không đặc hiệu, chỉ số này tăng lên người ta không chỉ hướng tới các vấn đề bệnh lý về tụy mật, mà còn dạ dày, phổi, buồng trứng…
Bác sĩ Căn khẳng định, ung thư tuyến tụy vốn khó chẩn đoán, phải có triệu chứng gây biểu hiện, thường u ở đầu tụy gây chèn ép, ví như siêu âm thấy u to ở đầu tụy, một số u khác ở thân hoặc đuôi tụy hoặc nang tụy…
Tầm soát ung thư tụy mật rất khó, không phải là loại ung thư nằm trong diện tầm soát dễ. Tầm soát dễ chỉ là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư khoang miệng…. Còn những loại ung thư khác là rất khó, ung thư tụy lại càng khó.
Nếu trường hợp bệnh nhân có chỉ số cao không nhất quán, cần khám một cách toàn diện, có trường hợp không phải ung thư nhưng chỉ số đó vẫn tăng.
Đơn cử chỉ số PSA, chỉ số tương đối đặc hiệu với ung thư tiền liệt tuyến, tuy nhiên nếu tăng thật cao thì có thể hướng tới chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến, nhưng nếu chỉ tăng ở mức độ nhất định thì cũng có thể chỉ do bệnh nhân chỉ viêm mà thôi.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thuý Mai – Giám đốc Marketing của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, với trường hợp bệnh nhân L.A, bệnh viện Thu Cúc không chẩn đoán là ung thư mà với các chỉ số cao bác sĩ chỉ nghi và theo dõi chứ không chẩn đoán.
Bà Mai cho biết, phía bệnh viện sau khi biết thông tin của khách hàng đã liên hệ nhưng khách hàng này đã đi nước ngoài nên bệnh viện đã làm việc với gia đình bệnh nhân.
Bác sĩ bệnh viện đã giải thích cho gia đình về chỉ số xét nghiệm CA 19-9, gia đình khách hàng đã hiểu và không còn thắc mắc gì với bệnh viện về kết quả đó.
Bà Mai cho biết trường hợp này do bác sĩ không giải thích kỹ cho khách hàng hiểu về chỉ số. Luôn có sự thay đổi chỉ số xét nghiệm do tuỳ từng thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.