Bệnh nhân Covid số 867 người Hải Dương nếu lây ở Hà Nội thì 'rất đáng lo'
“Bệnh nhân Covid số 867 người Hải Dương chưa biết lây ở đâu. Nếu lây ở Hà Nội thì địa phương này rất đáng lo”, PGS. TS Trần Đắc Phu nói.
BN Covid 876 người Hải Dương nếu lây ở Hà Nội thì “rất đáng lo ngại” (Ảnh minh họa) |
Đánh giá cao cách làm hiệu quả của Hà Nội trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) lưu ý về ca bệnh 867 (BN 867) và việc một hành khách người Hà Nội phát hiện dương tính với Covid-19 khi bay sang Nhật Bản.
Từ hai trường hợp này, ông Phu cho rằng Hà Nội phải lưu ý xem có xét nghiệm ca mắc ở cộng đồng tại Hà Nội hay không. Bởi theo ông Phu “Đà Nẵng, Hà Nội, hay TP.HCM nguy cơ giống nhau”.
Nói về trường hợp BN 867, ông Phu nhấn mạnh cần làm rõ xem bệnh nhân này bị lây nhiễm ở Hải Dương hay Hà Nội vì trường hợp bệnh nhân này “rất đáng lo ngại”.
"Ca bệnh người Hải Dương (BN 867) chưa biết lây ở đâu, lây ở Hà Nội hay Hải Dương. Nếu lây ở Hải Dương thì Hà Nội đỡ lo. Nếu lây ở Hà Nội thì địa phương này rất đáng lo. Bắt được ca lây bệnh này rồi cũng chưa chắc là F0, mà càng bị nhiều chu kỳ dịch thì tính số ca lây nhiễm ở cộng đồng càng lớn.
Nếu ca đó mà lây ở Hà Nội thì phải đặt vấn đề nên phải kiểm tra các yếu tố dịch tễ khác, không nói tìm ra F0, nhưng phải tìm ra yếu tố lây nhiễm khác ở Hà Nội có chưa", ông Phu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phu, Hà Nội phải tính đến việc xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định. Việc này ngành y tế phải tham mưu cho UBND thành phố, có kế hoạch cụ thể.
"Không chỉ xét nghiệm F1 mà các trường hợp sốt, ho là ta chỉ định. Ví dụ, ca vào Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn là những ca chỉ điểm, ta không phát hiện là ca đó qua đi, mà ụp một cái như Đà Nẵng là một vấn đề. Phải rất rõ chuyện này", ông Phu cảnh báo.
Ông cũng đề nghị Hà Nội cần “chú ý phòng dịch ở các trung tâm dưỡng lão”.
Liên quan đến ca bệnh này, ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, quá trình đi lại, khám bệnh của bệnh nhân này rất phức tạp, đặc biệt “không biết thời điểm nhiễm bệnh là thời điểm nào”.
Trong khi đó, lãnh đạo huyện Thanh Trì cho biết, bệnh nhân này không đến Đà Nẵng hoặc các khu có ổ dịch khác, không rõ tiếp xúc với ca mắc, nghi mắc Covid-19. Bệnh nhân cũng không có bệnh lý mãn tính, qua điều tra không rõ tiếp xúc nguồn lây nhiễm là ai, ở đâu.
“Nhiều khả năng bệnh nhân lây nhiễm từ khi còn ở Hải Dương do các triệu chứng khởi phát trước ngày lên Hà Nội”, lãnh đạo huyện thông tin.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo TTYT huyện Thanh Trì cho biết ngay khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng của huyện đã thức trắng đêm để truy vết các trường hợp liên quan.
Kết quả đã xác minh 14 trường hợp F1, tất cả các trường hợp này đã được đưa đi cách ly tập trung, bên cạnh đó đưa đi cách ly 1 trường hợp nghi ngờ, đến nay đã có kết quả 14/15 trường hợp âm tính. Huyện cũng tiếp tục điều tra 8 trường hợp F2 và các trường hợp tiếp xúc gần…
Hiện trường hợp nghi ngờ là con rể bệnh nhân, là người đi cùng bệnh nhân từ Hải Dương lên Hà Nội, cũng trú tại quán bia Lộc Vừng trong những ngày ở đây. Trường hợp này đã được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội).
N. Huyền
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.