400 cháu nghi ăn phải thịt lợn nhiễm sán, sán gạo nguy hiểm như thế nào?
Sán gạo trong thịt lợn nấu chín |
Sán nguy hiểm thế nào?
Theo thông tin từ Viện Sốt rét và Ký sinh trùng trung ương, các cháu đã xét nghiệm sáng nay và đến giờ vẫn chưa tổng hợp được kết quả. Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở đây hiện tại chưa có gì đáng lo ngại trong ngày hôm nay mới có kết quả của những bệnh nhi tới đây làm xét nghiệm sán.
Theo Thạc sĩ Mai Anh Lợi, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM, bệnh lợn gạo có tên khoa học Cysticercus cellulosae, là bệnh gây ra bởi ấu trùng sán gạo lợn (sán dải lợn, sán dây lợn) có tên khoa học Toenia solium. Sán gạo lợn dài trung bình từ 2-3 mét, thậm chí có thể lên đến 8 mét, đầu nhỏ, hơi tròn, đường kính khoảng 1 mm, có bộ phận nhô lên, có 2 vòng móc (22-32 móc) và 4 giác ở 4 góc. Ngoài lợn ra, chó mèo hoặc người đều có thể là vật chủ phụ của sán gạo lợn.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiễm ấu trùng sán gạo lợn là do ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ. Nguyên nhân gián tiếp là tập quán chăn nuôi thả rông và tự giết mổ không thông qua cơ sở giết mổ đạt chuẩn. Trứng của sán gạo lợn có thể tồn tại từ 2-3 tháng trong môi trường tự nhiên. Tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán gạo lợn trên địa bàn tỉnh cao hơn so với bình quân chung cả nước là do điều tra tập trung vào điểm đích chứ không phải điều tra ngẫu nhiên.
Thông thường loại sán này trưởng thành gây bệnh cho người luôn ký sinh tại ruột non. Tuy nhiên, ấu trùng sán có thể đi “lạc chỗ”, gây bệnh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da,… Nguyên nhân là do hiện tượng phản nhu động ruột đưa ngược trứng sán trở lại đoạn đầu ruột non, rồi trứng tiếp tục theo đường tiêu hóa, vào máu đi chu du khắp cơ thể và gây bệnh tại những nơi chúng trú lại. Đồng thời ấu trùng này phát triển đi vào ngõ cụt và không thể thành sán trưởng thành.
Sán gạo lợn là một bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não… căn nguyên do các u nang sán heo (trong có đầu sán) gây nên. Biểu hiện lâm sàng tùy theo vị trí khu trú của nang ở da ảnh hưởng tới thẩm mỹ, ở não có thể gây động kinh, giảm trí nhớ hoặc rối loạn vận động.
Cách nhận biết khi nhiễm sán gạo lợn
Lợn gạo có hình dạng một bọc màu trắng đục (hay còn gọi là nang sán), bên trong có chứa đầu sán và chất dịch khi chúng cư trú tại các cơ quan. Khi mới nhiễm sán thì một số có biểu hiện các dấu hiệu như chán ăn, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Cách phòng bệnh sán gạo lợn đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong phòng bệnh sán lợn. Cần ăn chín uống chín (nước phải được đun sôi, để nguội, uống). Tuyệt đối không ăn thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo…). Có thể phòng ngừa bệnh sán gạo lợn bằng vệ sinh môi trường. Cần có nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.
Theo Thạc sĩ Mai Anh Lợi, điều trị sán gạo lợn phải dùng thuốc, điều trị kết hợp các triệu chứng, di chứng mà ấu trùng Toenia solium gây ra cho những cơ quan tổ chức khác nhau trong cơ thể. Trong trường hợp những nang sán ở những vị trí có thể can thiệp bằng phẫu thuật lấy nang sán thì bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật.