'Khoảng 16 triệu bé gái từ 15-19 tuổi sinh con mỗi năm'
Nữ sinh mang thai là một vấn đề quan trọng toàn cầu, ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của cả người mẹ và đứa trẻ, cũng như để lại những hậu quả kinh tế và xã hội lâu dài.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 16 triệu bé gái từ 15-19 tuổi và 2.5 triệu em gái dưới 16 tuổi sinh con mỗi năm.
11% tổng ca sinh trên toàn cầu từ bé gái dưới 19 tuổi
Mang thai ở tuổi vị thành niên là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở khu vực có thu nhập thấp và trung bình.
Số liệu thống kê của WHO tiết lộ rằng khoảng 11% tổng số ca sinh trên toàn thế giới - các em gái từ 15 đến 19 tuổi. Ở một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên đặc biệt cao.
Theo WHO, vùng cận Saharan châu Phi có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất thế giới. Tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên (trong độ tuổi 15-19) là 99/1.000 ca vào năm 2020, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu là 44/1.000.
39.000 bé gái kết hôn trước khi bước sang tuổi 18
Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), có hàng triệu trẻ em gái phải lập gia đình khi còn nhỏ tuổi, phải mang thai và sinh con khi các em chưa thực sự trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm và xã hội để sẵn sàng làm mẹ.
Cụ thể, trên toàn cầu, cứ 3 nữ thanh niên trong độ tuổi từ 20-24 thì có 1 người (tương đương với khoảng 70 triệu người) kết hôn trước tuổi 18.
Nếu xu hướng này không được cải thiện, trong vòng một thập kỷ tới sẽ có 142 triệu trẻ em gái kết hôn trước khi sang tuổi 18.
Điều này có nghĩa là mỗi năm sẽ có 14.2 triệu trẻ em gái, hay mỗi ngày sẽ có 39.000 bé gái kết hôn khi "em chưa 18".
Gây ra nhiều biến chứng
Mang thai ở tuổi vị thành niên có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của cả mẹ và con.
Theo WHO, các bà mẹ tuổi vị thành niên có nguy cơ cao gặp các biến chứng khi mang thai và sinh nở. Con có nguy cơ sinh non hoặc nhẹ cân.
Các bà mẹ tuổi 'teen' cũng có thể phải đối mặt với những hậu quả sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.
Ngoài những rủi ro về sức khỏe, các bà mẹ tuổi vị thành niên cũng có thể phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và xã hội như giảm cơ hội giáo dục và việc làm.
Nguyên nhân: Nghèo đói, thiếu thông tin
Một loạt các yếu tố góp phần vào việc mang thai ở tuổi vị thành niên, bao gồm nghèo đói, không được tiếp cận với giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bất bình đẳng giới.
Ở nhiều xã hội kém phát triển, trẻ em gái không được tiếp cận thông tin và dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục. Các em cũng phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội khi tìm kiếm các dịch vụ đó.
Ngoài ra, các chuẩn mực văn hóa và xã hội cho phép kết hôn sớm hoặc không khuyến khích sử dụng các biện pháp tránh thai cũng có thể góp phần làm tăng tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên.
Giải pháp: Giáo dục giới tính toàn diện (CSE)
WHO khẳng định tầm quan trọng của giáo dục trong việc ngăn ngừa trẻ vị thành niên mang thai khi còn trẻ. Theo đó, giáo dục nhằm trao quyền cho những người trẻ tuổi với kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe sinh sản và vấn đề tình dục, đồng thời giúp các em có thể phát triển thái độ và hành vi lành mạnh.
Cụ thể, CSE là một chương trình giáo dục được xây dựng phù hợp với lứa tuổi và văn hóa bao gồm nhiều chủ đề liên quan đến tình dục như giải phẫu học, các biện pháp tránh thai, các mối quan hệ và kỹ năng giao tiếp.
Chương trình có thể giúp những người trẻ hiểu được những rủi ro và hậu quả của hoạt động tình dục sớm, đồng thời khuyến khích các em chỉ quan hệ khi thực sự sẵn sàng.
Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị một loạt các biện pháp can thiệp khác để ngăn ngừa mang thai ở tuổi vị thành niên, bao gồm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế thân thiện với thanh thiếu niên, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đồng thời giải quyết các yếu tố kinh tế và xã hội góp phần gây ra tình trạng mang thai sớm.
Bảo Huy