Khó thu phí sử dụng đường bộ
Tuy nhiên, nhiều người thực hiện thu phí đối với xe máy ở địa phương đang băn khoăn sẽ khó thu đúng, thu đủ khoản phí này.
Bộ Tài chính: sẽ không quá phức tạp
Theo ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), UBND cấp xã, phường chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe máy của chủ phương tiện trên địa bàn. Hầu hết cán bộ địa phương sẽ nắm rõ được từng hộ có những ai và làm gì. Do vậy việc thực hiện thu sẽ không quá phức tạp.
Với lượng xe máy quá lớn như ở TP.HCM, chính quyền cấp phường, xã kêu khó trong việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy |
Bộ Tài chính quy định trách nhiệm chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí. Cụ thể: đối với xe máy có trước ngày 1/1/2013 thì tháng 1/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013. Đối với xe máy có từ ngày 1/1/2013 trở đi thì việc khai, nộp phí được chia làm hai trường hợp. Thứ nhất, thời điểm có xe từ ngày 1/1 đến 30/6 hằng năm, chủ phương tiện kê khai và nộp mức thu phí bằng một nửa mức thu của cả năm. Thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31/7. Thứ hai: thời điểm có xe từ ngày 1/7 đến 31/12 hằng năm, chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau và chỉ phải nộp phí thời gian của năm sau. Đơn cử, ông A mua xe máy từ ngày 7/8/2013. Theo quy định, chậm nhất là ngày 31/1/2014 ông sẽ phải kê khai và nộp phí. Tiền phí sử dụng đường bộ mà ông A phải nộp là thời gian 12 tháng của năm 2014.
Về lo ngại việc thu phí sử dụng đường bộ với xe máy, nhất là chủ xe là các cá nhân đi xe không chính chủ thì sẽ khó khăn, Bộ Tài chính cũng cho rằng tới đây các địa phương sẽ hướng dẫn tới từng hộ dân. Tinh thần là người dân sẽ thực hiện kê khai và nộp theo địa phương mà mình cư trú.
Dân không tự giác, phường bó tay
Theo ông Lê Văn Chận, cán bộ tổ dân phố số 8, phố Sông Thao, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là loại phí mới. Trước mắt, phí này sẽ khó thu nếu người dân không tự giác nộp. Nếu hộ dùng điện mà không nộp tiền thì sẽ bị cúp điện, hay nước cũng vậy, sử dụng nước sạch mà không nộp tiền thì cũng bị cúp nước ngay. Còn người đi xe máy, vì lý do nào đó mà không nộp phí thì cán bộ đi thu cũng đành chịu.
Ông Danh Cư, chủ tịch UBND P.16, Q.8, TP.HCM, nói rằng đến thời điểm này phường vẫn chưa được các cấp, ngành liên quan hướng dẫn cách thu như thế nào nên chưa có chuẩn bị gì cho việc thu phí bảo trì đường bộ đối với môtô, xe máy. Vừa qua, phường đã triển khai nhiều công việc, trong đó có công tác kê khai thuế phi nông nghiệp, thuế công thương nghiệp... nên các tổ dân phố cũng “kêu la” vì quá nhiều việc. Phường cũng chỉ có ba cán bộ địa chính, môi trường mà công việc lại quá nhiều, nên hi vọng thời điểm thu sẽ được lùi lại và có triển khai hướng dẫn cụ thể cho địa phương thực hiện thuận lợi.
Ông Huỳnh Thanh Tuyến, chủ tịch UBND P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết hiện nay ở phường chỉ có một cán bộ phụ trách mảng giao thông, thủy lợi trong khi trên địa bàn có đến 25.000 dân nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trước khi muốn thu phí phải gõ cửa từng hộ để làm công tác kê khai. Với số dân như trên, phải mất nhiều thời gian mới kê khai xong, nên phải tính toán thêm nhân sự cũng như chi phí nuôi bộ máy nhân sự đó, chứ một cán bộ làm thì biết bao giờ cho xong. Hơn nữa mẫu kê khai này phải được thống nhất trên toàn địa bàn quận nhưng cho đến nay phường chưa được UBND Q.Gò Vấp triển khai cụ thể về các biểu mẫu, hướng dẫn cách thu như thế nào.
Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, phó chủ tịch UBND P.An Hải Tây (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), cũng cho biết việc giao cho UBND phường, thị trấn, xã tổ chức thu phí đối với xe máy của tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong thời điểm hiện nay không dễ thực hiện. “Hiện tại phường không quản lý được trên địa bàn có bao nhiêu môtô, trong đó bao nhiêu người có hộ khẩu tại phường sở hữu xe, bao nhiêu xe do người tạm trú trên địa bàn phường sở hữu. Việc thu phí đối với xe của các đối tượng tạm trú chắc chắn sẽ không thực hiện được, trong khi đó đối tượng này ở các phường trên địa bàn Đà Nẵng rất đông. Ngoài ra, giả thiết trường hợp một người sống tại Đà Nẵng, mua xe máy cho con đi học tại TP.HCM nhưng khi mình đến thu, họ bảo xe họ hiện tại không sử dụng thì phường cũng chịu, các trường hợp tương tự như thế này dân không tự nguyện nộp thì UBND phường cũng bó tay”, ông Trúc cho biết.
Theo Tuổi trẻ