Khó chịu với quan hệ Mỹ - Ấn, Trung Quốc cho Pakistan vay 6,5 tỷ USD
Theo hãng tin Reuters, tháng trước Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tham gia động thổ dự án năng lượng hạt nhân trị giá 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên khi đó các quan chức nước này không cho biết làm sao nước này thu xếp tài chính cho dự án này.
Trung Quốc đã đầu tư 6,5 tỷ USD cho một dự án điện hạt nhân lớn của Pakistan. |
Theo một số chứng từ tài chính, Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã hứa sẽ cho Pakistan vay ít nhất 6,5 tỷ USD để thực hiện dự án năng lượng hạt nhân với 2 lò phản ứng, mỗi lò có công suất 1.100 megawatt.
Hai quan chức năng lượng hạt nhân của chính phủ Pakistan và 3 nguồn tin thân cận với thỏa thuận trên đã xác nhận thông tin này.
“Trung Quốc đã thực hiện lời hứa giúp Pakistan thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, Ansar Parvez, Chủ tịch Ủy ban năng lượng nguyên tử Pakistan và là người điều hành dự án năng lượng dân sự này, cho biết.
Ông Parvez từ chối cung cấp thêm chi tiết về khoản vay nhưng ông cho biết dự án này sẽ hoàn thiện vào năm 2019 và mỗi lò phản ứng sẽ có công suất lớn hơn tổng công suất của tất cả các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở Pakistan hiện này.
Pakistan và Trung Quốc, cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân, có mối quan hệ đồng minh thân thiết và mối quan hệ giữa hai nước được củng cố vì có mối lo ngại chung về Ấn Độ cũng như mong muốn cản lại ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Nam Á.
Pakistan coi năng lượng hạt nhân là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu điện làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế nước này.
Năm 2008, Mỹ đã kí kết một thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ khiến cả Trung Quốc và Pakistan đều khó chịu.
Pakistan cũng muốn kí một thỏa thuận tương tự với Mỹ nhưng vẫn chần chừ sau vụ nhà khoa học hạt nhân của nước này Abdul Qadeer Khan năm 2004 thừa nhận đã chuyển giao các bí mật hạt nhân cho Triều Tiên, Iran và Iraq.
Pakistan tiến hành các vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1998, ngay sau khi Ấn Độ tiến hành các vụ thử hạt nhân. Cả hai nước đều không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và cả hai nước đều sở hữu các loại vũ khí nguyên tử.
Việc Trung Quốc và Pakistan hợp tác về hạt nhân khiến Mỹ, Ấn Độ và các nước khác khó chịu do lo ngại hai nước này sẽ không tuân thủ các qui định về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc khẳng định hợp tác hạt nhân với Pakistan hoàn toàn vì các mục đích hòa bình và tuân thủ các qui định của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).