“Kho báu ngàn cổ” đầu nguồn nước
Trong lòng mỗi người dân Xí Giàng Phìn, khu rừng nghiến là biểu trưng cho sự che chở, bình yên, trường tồn và cũng là niềm tự hào của thôn, bản. Khu rừng có hơn 100 cá thể nghiến cỡ lớn sừng sững, hiên ngang, rễ bám chặt vào những vách đá tai mèo mà thách thức giông bão, thi gan với thời gian.
Giữa cái nắng chói chang, chúng tôi men theo con đường dốc cheo leo để lên Xí Giàng Phìn, thôn nghèo của xã Nậm Chảy (Mường Khương). Đã từ lâu, người Mông đến đây dựng nhà, lập bản và sống hài hòa cùng thiên nhiên. Thôn nghèo nằm trên một vùng đất khá bằng phẳng, lưng dựa vào rừng gỗ nghiến. Tất cả các hộ dùng chung nguồn nước từ khu rừng này. Theo kinh nghiệm của các vị cao niên trong làng thì khu rừng nghiến có những thân gỗ đến gần nghìn năm tuổi.
Bao đời nay, người dân Xí Giàng Phìn luôn đoàn kết chung tay bảo vệ "kho báu ngàn cổ". |
Nhìn vào một khoảng không xa xăm, Trưởng thôn Giàng Cù Nủ trầm ngâm bảo: “Không biết khu rừng được coi là rừng thiêng, rừng cấm từ bao giờ, có lẽ quan niệm này bắt đầu từ khi người Mông đầu tiên có mặt ở nơi đây. Thời tôi còn bé đã thấy những cây nghiến to như thế. Gia đình nào cũng vậy, ông bảo cha, cha bảo lại cho con, cho cháu rằng phải giữ lấy rừng nghiến, bởi rừng nghiến là “hồn” của bản”. Cùng Trưởng thôn Nủ và một số cán bộ xã Nậm Chảy, chúng tôi khám phá “kho báu ngàn cổ” trong sự hồi hộp, háo hức. Không có đường mòn để vào sâu trong rừng gỗ nghiến, anh Nủ chỉ cho chúng tôi cách bám lên những mỏm đá nhấp nhô, bám lấy những bộ rễ cây lớn để đu, để luồn và bò vào rừng. Trong rừng, cái nắng bị bỏ lại phía sau vòm lá nhiều tầng u tịch, cả những tiếng ve cũng líu ríu như tiếng dế từ trên các ngọn cây cao tít. Ngoài vạt nương phía bìa rừng đất khô như rang, còn nơi đây, những lớp thực bì xốp, ẩm, mềm mại khiến chúng tôi ngỡ như mình đang đứng trên tấm đệm khổng lồ.
Xếp vào hạng rừng cấm với những quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nên khu rừng nghiến này vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, hoang dã. Dưới những tán cây lớn, thảm thực vật bậc thấp, dây leo bám chằng chịt vào bộ rễ lớn như những con rắn khổng lồ trườn mình trên đá tai mèo. Thì ra “rừng cấm” Xí Giàng Phìn không chỉ bởi do ý nghĩa về mặt văn hoá, tập quán, mà còn vì cả sự nguy hiểm. Những khe, dốc đá chênh vênh, chỉ sơ sẩy là có thể trượt ngã và khó giữ được tính mạng, vì dưới đáy thung kia là những mỏm đá tai mèo lấp ló trong lùm cỏ dại. Cũng bởi thế, mà ngoài thời gian thực hiện nghi lễ cúng rừng hằng năm hoặc tuần tra, bảo vệ rừng, thì việc đặt chân vào rừng là hết sức hạn chế với chính người dân trong thôn. “Trong thôn nhà nào cũng thế, khung nhà, cánh cửa đến các đồ dùng rất ít làm bằng gỗ nghiến. Từ bao đời vẫn thế rồi, nếu người Xí Giàng Phìn không có ý thức giữ rừng thiêng thì đâu còn được như ngày nay” - Trưởng thôn Nủ tâm sự.
Hằng năm, sau Tết Nguyên đán là người Mông thôn Xí Giàng Phìn lại làm lễ cúng rừng trong rừng nghiến. Bản Xí Giàng Phìn còn nghèo nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện chặt cây rừng dù gỗ nghiến được xếp vào bậc quý hiếm; gỗ nghiến nặng, bền, đẹp, không cong vênh, mối mọt, trên thị trường có giá bán rất cao. Việc bảo vệ rừng bây giờ còn phức tạp hơn nhiều bởi không ít lần cánh rừng thiêng này phải đón sự “viếng thăm” của những “vị khách không mời”. Người Mông thôn Xí Giàng Phìn có quan niệm rằng chặt gỗ nghiến trong rừng thiêng là có tội lớn với tổ tiên, là phạm phải tội ác “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Vậy mà bên vách đá tai mèo, có thời gian sự cẩn trọng của người dân thôn Xí Giàng Phìn vẫn không ngăn được rừng nghiến “chảy máu”. Có không ít lần, những thân nghiến lớn bị kẻ xấu cưa trộm trong đêm, người dân phát hiện được thì thân gỗ đã đổ. “Tổ tiên gìn giữ bao đời, đến thế hệ mình lại để mất, như vậy là có lỗi lớn”, Trưởng thôn Nủ ngậm ngùi. Giờ đây, tinh thần cảnh giác của bà con thôn Xí Giàng Phìn và các thôn lân cận dần được nâng cao, nên hơn 100 cá thể nghiến cỡ lớn trong khu rừng vẫn được giữ nguyên trạng.
Lên cao chừng 20 phút đi bộ, chúng tôi đứng nghỉ trước một thân nghiến lớn. Anh Nủ cầm dao dọn những cây gai chắn trước mặt để chúng tôi có thể tiếp cận gần hơn một cây gỗ nghiến mà chu vi gốc của nó cỡ vài người ôm. Anh Vàng Ngọc Kim, Trưởng Ban công an xã Nậm Chảy làm một động tác hết sức sinh động là chui vào một trong những hốc của cây nghiến và anh lọt thỏm trong đó như vừa lách qua cửa nhà mình vậy. Anh Kim cho biết, có lần đi tuần tra bảo vệ rừng, lúc gặp mưa, tổ bảo vệ 5 người nhưng vẫn chui được vào hốc nghiến chờ trời tạnh mưa, đủ để thấy tuổi đời của nghiến rất cao.
Hầu hết những người đàn ông trưởng thành của thôn Xí Giàng Phìn đều nhớ rõ vị trí của từng cây nghiến, nhớ rõ từng khe, hốc đá nguy hiểm nhờ được luân phiên tuần tra bảo vệ rừng. Dẫn chúng tôi đi qua một cây gỗ nghiến đã đổ cách đây vài năm, nằm vắt ngang qua khe đá như một chiếc cầu lớn với đường kính tới hơn 1 m, anh Kim ngẩn ngơ tiếc: “Có thể “cụ này” quá cao niên, nên nhường không gian sống cho con cháu”.
Với người dân thôn Xí Giàng Phìn nói riêng và bà con xã Nậm Chảy nói chung, rừng nghiến thiêng là một niềm tự hào, biểu tượng cho sự trường tồn, khát vọng sống của người dân nơi đây. Nậm Chảy theo tiếng địa phương có nghĩa là đầu nguồn con nước, muốn có nước thì phải giữ rừng, âu đó cũng là quy luật sinh tồn, tuân thủ theo thực tế khách quan. Trên địa bàn tỉnh hiện còn hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, nhưng cánh rừng có mật độ gỗ quý cao như rừng thiêng Xí Giàng Phìn thực không dễ tìm. Với người Mông thôn Xí Giàng Phìn, khu rừng có giá trị hơn thế bởi nó thể hiện nét văn hoá, tinh thần, tình yêu của người dân đối với rừng, vậy nên họ mới coi rừng nghiến là “kho báu ngàn cổ”.
THÚY PHƯỢNG/Báo Lào Cai